Tin nổi bật

45 Năm hợp tác Việt Nam – Hà Lan

2:27 sáng | 28/06/2018

Nhìn lại chặng đường hợp tác trong hơn 4 thập kỷ qua, Việt Nam và Hà Lan không khỏi tự hào về những thành tựu đạt được trong mối quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt.

 

Tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 9/4/1973. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc (1975), Hà Lan là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Hà Lan chính thức mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào năm 1976.

Vào đầu những năm 1990, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu khởi sắc. Đến năm 1993, Hà Lan mởi lại Đại sứ quán tại Việt Nam sau nhiều năm ngưng hoạt động do khủng hoảng tài chính. Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán tại The Hague (Hà Lan) vào năm 1998.

Trong 45 năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác và hữu nghị. Tiêu biểu là chuyến thăm Hà Lan vào năm 2001 của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2011 và 2014 và gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2017. Về phía Hàn Lan, Thủ tướng Hà Lan Wim Kok thăm Việt Nam năm 1995, Thái tử Willem Alexander thăm Việt Nam năm 2005 và 2011, gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte năm 2014.

Tại các diễn đàn quốc tế chẳng hạn như Liên Hiệp quốc (UN), diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, lãnh đạo hai nước đã thường xuyên gặp gỡ và trao đổi hợp tác. Hai bên cũng đã ký kết nhiều khuôn khổ và thoả thuận hợp tác song phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: biến đổi khí hậu-quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, kinh tế biển, logistics…

Đặc biệt, chuyến thăm Hà Lan của đoàn đại biếu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 26-3-2018 đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đa chiều giữa Việt Nam và Hà Lan. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội đến Hà Lan diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm đánh dấu một cột mốc mới trong việc củng cố mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác đa lĩnh lực giữa Quốc hội hai nước.

Hợp tác kinh tế hiệu quả

Hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước là rất ấn tượng. Hiện tại, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Hà Lan hiện có 304 dự án đầu tư tại 29 tỉnh, thành Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 8 tỷ đô la Mỹ, xếp thứ 11 trong 116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng có 7 dự án đầu tư tại Hà Lan với tổng vốn đạt 6,5 triệu đô la Mỹ.

Hà Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu tại Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 7,8 tỉ đô la Mỹ (năm 2017). Nhiều sản phẩm danh tiếng của Hà Lan đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như bia Heneiken, sữa cô gái Hà Lan…

Hà Lan và Việt Nam đã và đang thực hiện 02 thoả thuận quan trọng: thoả thuận Đối tác chiến lựợc về Thích ứng với biến đổi khí hậu – quản lý nước (2010), thoả thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (2014).

Đặc biệt, hai bên đang hợp tác thực hiện kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long. Bằng kinh nghiệm của mình, Hà Lan đang hỗ trợ Việt Nam đối phó với các thách thức như mực nước biển dâng cao, sụt lún, xâm nhập mặn…và duy trì sự thịnh vượng lâu dài tại khu vực này. Ngoài ra, kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp của Hà Lan cũng là một bài học quý báu cho một đất nước vốn có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam.

Hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược

Là 2 nước ven biển, Việt Nam và Hà Lan chia sẽ thách thức chung và dễ bị tổn thương trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Hà Lan là đối tác chiến lược ngành đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Việc hoàn tất kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những hoạt động tiêu biểu nhất trong mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Kế hoạch mang tính tầm nhìn dài hạn này giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý nguồn nước, tiến tới hình thành một chiến lược toàn diện đưa Đồng bằng Sông Cửu Long thành một khu vực phát triển kinh tế-xã hội an toàn và bền vững.

Ngoài ra, nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Tp.HCM, Hà Nội, Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long…đã tăng cường hợp tác với các địa phương của Hà Lan trong các lĩnh vực như xây dựng thành phố xanh, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng…

Đặc biệt, chuyến thăm Hà Lan vào năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thành công với nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết. Tiêu biểu là 02 văn kiện quan trọng được thủ tướng hai nước ký kết bao gồm: Ý định thư về các dự án chuyển đổi quy mô lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý an toàn thực phẩm.

Đức Quân