Các dự án kêu gọi đầu tư

Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

1:37 sáng | 07/11/2017

Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Ban Quản lý) không ngừng trưởng thành và nâng cao về năng lực hoạt động, đảm bảo quản lý hiệu quả các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn và giải ngân đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; qua đó đã tạo được niềm tin nơi các nhà tài trợ và đóng góp tích cực vào sự nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Tây Ninh, có chức năng làm chủ dự án đầu tư các dự án xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách do người quyết định đầu tư giao; tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp – nông thôn theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư theo đúng Luật định; thực hiện các chức năng khác khi được UBND tỉnh giao và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án.

Năm 2017, Ban Quản lý được ghi vốn thực hiện đầu tư 15 dự án, trong đó có 3 dự án chuyển tiếp và 12 dự án khởi công mới với tổng vốn 57.079 triệu đồng. Khi có Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017,  Ban Quản lý đã tập trung thực hiện công tác đấu thầu, ký hợp đồng và triển khai thi công. Cụ thể Ban đã triển khai thi công được 3 dự án chuyển tiếp và 10 dự án khởi công mới (Đê bao Phước Hội; nạo vét kênh tiêu Cầu Da ra sông Vàm Cỏ; nạo vét kênh tiêu Tà Xia; xây mới HTCN ngã ba Bổ Túc; trạm kiểm soát lửa, phòng chống cháy rừng tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; trạm kiểm soát lửa, phòng chống cháy rừng tại khu rừng văn hóa lịch sử Chàng Riệc; xây mới 4 trụ sở làm việc chung Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng); còn lại 2 dự án đã ký hợp đồng nhưng chưa triển khai gồm: Đê bao Cẩm Bình, xã Cẩm Giang và dự án xây mới HTCN ấp Tân Lâm, xã Tân Hà.

Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban thường xuyên kiểm tra, đôn đốc về chất lượng cũng như tiến độ thực hiện các gói thầu của từng dự án. Ngoài ra Ban còn chủ động phối hợp với đơn vị thi công lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán khi có khối lượng để tạo điều kiện cho đơn vị thi công, không để gián đoạn thi công vì thanh toán chậm. Đến nay giá trị khối lượng thực hiện là 30.129 triệu đồng, đạt 53% kế hoạch; giá trị đã thanh toán 22.358 triệu đồng, đạt 39% kế hoạch. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đều đã hoàn thành việc lập và trình hồ sơ quyết toán, không để xảy ra tình trạng dự án bị trễ hạn thời gian quyết toán.

Đối với các dự án đầu tư chuyển tiếp, hiện dự án kênh tiêu Vũng Rau Muống đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công đúng tiến độ, tính đến ngày 31/7/2017 khối lượng thực hiện đạt 2.850 triệu đồng, giải ngân 1.065 triệu đồng; dự án Vùng lúa chất lượng cao xã An Thạnh, huyện Bến Cầu kế hoạch vốn năm 2017 bố trí 3.029 triệu đồng, tính đến ngày 31/7/2017 khối lượng thực hiện đạt 2.929 triệu đồng, giải ngân 2.029 triệu đồng. Riêng dự án nâng cấp mở rộng suối Bà Tươi, huyện Gò Dầu chỉ thi công Cống điều tiết K2+550 = Kc (khởi công tháng 1/2017); đến nay hạng mục công trình này cơ bản đã hoàn thành song vẫn chưa thể thực hiện tiếp các hạng mục khác do vướng mặt bằng thi công.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, Ban Quản lý đã nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; đặc biệt là đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong năm 2017. Mục tiêu hàng đầu của Ban trong thời gian tới là phấn đấu trở thành đơn vị có thể đảm nhận nhiều dự án lớn về quy mô, phức tạp về kỹ thuật, yêu cầu cao về thủ tục theo các loại hình đầu tư và nguồn vốn; thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. “Chúng tôi luôn đặt chất lượng quản lý các dự án và thỏa mãn yêu cầu của khách hàng làm mục tiêu hàng đầu và không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây cũng chính là nền tảng đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh trong hiện tại cũng như tương lai”.

Chí Cường