Cà Mau

Cà Mau: Ưu tiên tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

2:16 sáng | 24/12/2017

Sau 20 năm tái lập (1/1/1997 – 1/1/2017), Cà Mau hôm nay đã tự tin thay “áo mới”: sung túc hơn, giàu đẹp hơn và là một trong Tứ trụ của Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL – khu vực phát triển kinh tế động lực của miền Tây Nam bộ. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải khẳng định: “Chặng đường 20 năm dựng xây và phát triển chưa phải là dài so với lịch sử của vùng đất Cà Mau song những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, tạo tiền đề để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tạo bước đột phá trong phát triển KT – XH, góp phần dựng xây quê hương Cà Mau ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

 

Ông Nguyễn Tiến Hải Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu phát triển KT – XH Cà Mau gặt hái được trong hai thập kỷ qua?

Sau 20 năm tái lập, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Cà Mau đã khai thác và phát huy triệt để các tiềm năng lợi thế, tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó tình hình KT – XH của tỉnh đã phát triển cơ bản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2016, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 36,7 triệu đồng (tương đương 1.657 USD), so với năm 1997 chỉ mới đạt 3,7 triệu đồng (tương đương 314 USD).

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh qua từng giai đoạn, tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 1996 – 2005 tăng bình quân 9,51%/năm, giai đoạn 2006 – 2015 tăng bình quân 11,21%/năm. Đến năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh năm 2010) đạt 35.372 tỷ đồng, tăng 8,8 lần so với năm 1997 (4.008 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 1997 là 63,4%, đến năm 2016 giảm còn 30,16%; tương ứng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng là 16,96% – 27,7% và khu vực dịch vụ là 19,64% – 38,33%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng KT – XH được quan tâm đầu tư, nhiều dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH tỉnh Cà Mau đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp, tuyến đường Hồ Chí Minh, sân bay Cà Mau…

Các hoạt động văn hóa – xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,96%, số lao động được giải quyết việc làm đạt trên 40.000 người.

Công tác cải cách hành chính được chú trọng. Từ cuối năm 2016, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau và Bộ phận một cửa hiện đại của một số huyện, thành phố đã đi vào hoạt động, đến nay nhận được nhiều phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và người dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang dần được cải thiện, năm 2016 tăng 5 bậc so với năm trước và được xếp vào nhóm trung bình của cả nước. Tình hình phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến với sự quan tâm, cam kết đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước vào các dự án trọng điểm, mang tính đột phá của tỉnh. Quốc phòng – an ninh tiếp tục được giữ vững.

Hiện nay lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh Cà Mau là chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Ông có thể chia sẻ thêm về thực trạng phát triển của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau? Giải pháp đế nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu thủy sản Cà Mau trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng?

Với hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 280.000 ha nuôi tôm nước lợ và có khu vực ngư trường rộng lớn trên 80.000 km2, Cà Mau là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đảng bộ tỉnh Cà Mau xác định: thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, vì vậy công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu là động lực chính, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh.

Những năm gần đây, cơ sở công nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau đã tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô, năng lực chế biến thủy sản đã được đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp chế biến thủy sản với 39 nhà máy, tổng công suất chế biến đạt 185.000 tấn/năm. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng hóa mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đã có 18 cơ sở đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào EU, tỷ lệ hàng giá trị gia tăng chiếm 45,5%. Hiện thủy sản chế biến vẫn là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Cà Mau, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đến nay đã xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn (giai đoạn 2012 – 2016 đạt 5,2 tỉ USD).

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu thủy sản Cà Mau luôn được UBND tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Cụ thể UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tích cực phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ thuỷ sản quốc tế hàng năm; thực hiện công tác xúc tiến thương mại ngày càng sâu rộng và có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế rủi ro nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế với những cam kết mà Việt Nam đã ký kết.

Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh (tôm xuất khẩu); hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP… đáp ứng theo yêu cầu của thị trường các nước nhập khẩu.  Tăng cường quan hệ buôn bán, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh; bên cạnh việc duy trì ổn định ở các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…, hiện chúng tôi đang mở rộng sang một số nước Tây Á, Nam Mỹ…

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Đâu là những công trình trọng điểm kỳ vọng sẽ động lực giúp Cà Mau tiếp tục bứt phá đi lên, ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường mới?

Tỉnh Cà Mau có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng – an ninh của vùng ĐBSCL; là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Trong đó Tp.Cà Mau là trung tâm tiểu vùng phía Nam của vùng ĐBSCL đồng thời thuộc hành lang kinh tế ven biến phía Đông của vùng biển Tây Nam bộ (từ Bạc Liêu – Gành Hào – Cà Mau – Năm Căn); cụm đảo Hòn Khoai nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, có khả năng xây dựng phát triển cảng biển nước sâu, làm cửa ngõ đường biển cho vùng Tây Nam bộ, có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển đảo.

Trong mối quan hệ của khu vực, với dự án Tiểu vùng Mêkông mở rộng và quy hoạch kinh tế vùng Vịnh Thái Lan, tỉnh Cà Mau được xác định nằm trong Hành lang phát triển phía Nam (Bangkok – Phnompenh – Hà Tiên – Cà Mau), đồng thời Năm Căn là điểm đến của tuyến hành lang kinh tế này. Ở trong nước, đây cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh được nối dài đến Đất Mũi.

Tuy nhiên thời gian qua các tiềm năng, lợi thế trên chưa được khai thác hiệu quả để đóng góp vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó nếu dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, KKT Năm Căn và các dự án chế biến khí, dịch vụ dầu khí (hệ thống đường ống Lô B – Ô Môn, cụm nhà máy xử lý khí…) được triển khai hoàn thành sớm sẽ là những công trình trọng điểm góp phần phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và được kỳ vọng sẽ là động lực giúp Cà Mau tiếp tục bức phá đi lên, ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường mới.

Giai đoạn 2016 – 2020, Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%; dịch vụ tăng 10%; thu nhập bình quân đầu người trên 3.200 USD; tổng thu ngân sách 29.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD… Tỉnh có tự tin sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra không và bằng những giải pháp nào?

Chúng tôi xây dựng các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KT – XH của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 là hoàn toàn dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương và trên cơ sở những thành tựu, bài học kinh nghiệm rút ra được từ quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH ở các giai đoạn trước, đặc biệt là giai đoạn 2011 – 2015. Do đó, Cà Mau hoàn toàn tự tin sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2016 – 2020, tạo nền tảng quan trọng để sớm đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Trước mắt, tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên mục tiêu trung và dài hạn; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh…Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp một cách đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết với các đối tác để đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                 Minh Kiệt (thực hiện)