Cần Thơ

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cần Thơ: Nhanh, toàn diện và bền vững

3:19 sáng | 13/06/2019

Sau 15 năm thành lập (2004-2019), ngành công nghiệp Cần Thơ nhìn chung phát triển bền vững, đúng định hướng và mục tiêu đề ra.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh

Trong 15 năm qua, cơ cấu kinh tế Cần Thơ chuyển dịch theo đúng định hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp-thương mại và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Đến năm 2018, tỷ trọng nông-lâm nghiệp-thuỷ sán chiếm 8,14%; công nghiệp-xây dựng chiếm 32,70%; dịch vụ chiếm 59,16%. Dự kiến năm 2019, tỷ trọng nông nghiệp-thuỷ sản chiếm 7,72%, công nghiệp-xây dựng là 32,93% và dịch vụ là 59,35%.

Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Cần Thơ sau 15 năm chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp ngoài nhà nước và nước ngoài. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm thành phần chủ đạo (96%), kế đến là hoá chất và sản phẩm từ hoá chất (11,57%).

Đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 9%, ngoài nhà nước chiếm khoảng 80% và nước ngoài chiếm 11% so với tỷ trọng toàn ngành công nghiệp. Nếu như năm 2004, giá trị sản xuất ngành khai khoán chiếm 0,11% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 0,01%, trong khi đó ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng từ 96,9% (2004) lên 96,51% (2018).

Số lượng doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp tăng từ 5.354 cơ sở (2004) lên 7.000 năm 2018. Lực lượng lao động công nghiệp cũng tăng đáng kể từ 49.737 (2004) lên 65.000 (2018). Số lượng dự án FDI cũng có chiều hướng tăng cả về số lượng và quy mô.

Đến nay, Cần Thơ đã hình thành 08 khu công nghiệp (859,64 ha), thu hút 238 dự án (214 dự án trong nước, 23 dự án FDI, 01 dự án ODA) với tổng vốn đăng ký 1, 079 tỷ đô la Mỹ.

Về cụm công nghiệp, Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp, hiện 01 dự án cụm công nghiệp tại quận Bình Thuỷ đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Đặc biệt, Cần Thơ đã thu hút được dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (tại khu công nghiệp Trà Nóc) – nơi ươm tạo và hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp tại Cần Thơ.

Tích cực đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Quan điểm của Sở Công thương Cần Thơ là luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi hoạt động.

Thực hiện chỉ đạo của chính phủ, Cần Thơ luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hội nghị, hội thảo; cung cấp thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sở Công thương Cần Thơ cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi, phổ biến và tuyên truyền về công tác sở hữu trí tuệ, bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng phối hợp với các phòng kinh tế-hạ tầng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, phối hợp triển khai chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình “kết nối ngân hàng-doanh nghiệp”, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức hội chợ kết nối cung-cầu, tạo cầu nối cho doanh nghiệp tiếp xúc với văn phòng tham tán thương mại để tìm kiếm đối tác và đẩy mạnh xuất khẩu…

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển của thành phố, Cần Thơ đã tăng cường kêu gọi hợp tác và triển khai các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này.

Cụ thể là Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, Chương trình chuyển giao 100 công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ trên 4 ngành chính (cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử và dệt may từ Hàn Quốc), Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ….

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí của thành phố, nhiều nguyên vật liệu của các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.

Cần Thơ cũng đã đề ra một số giải pháp nhằm đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới bao gồm: triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Cần Thơ từ năm 2018 đến năm 2025; tham mưu UBND ban hành quy định hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ; xác định nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; liên kết phát triển với các tỉnh thành, khác; tăng cường chuyển giao công nghệ và kêu gọi đầu tư nước ngoài; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội để thu hút đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ; tăng cường công tác đào tạo; tìm kiếm thị trường mới cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiến cận vốn vay; xây dựng trung tâm thương mại -dịch vụ công nghiệp hỗ trợ…

                                                                                                                     Bảo Châu