Thái Bình

Cuộc chiến màu da cam

7:41 sáng | 20/08/2018

Chiến tranh đã bị đẩy lùi hơn 40 năm nhưng cuộc chiến của những người lính từ chiến trường trở về thì vẫn còn tiếp tục; một cuộc chiến trong hòa bình, không có tiếng súng, tiếng bom nhưng sự tàn khốc của nó thì thật đau thương. Ấy là cuộc chiến chất độc màu da cam hay còn gọi là Dioxin mà quân đội Mỹ đã rải thảm trong 10 năm từ 1961 đến 19717 với khoảng 76,9 triệu lít hóa chất xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam, trong số này có 64% là chất độc màu da cam, hòng làm trụi lá cây rừng để dễ bề phát hiện, tiêu diệt những người lính Việt cộng. Ước tính có đến gần một triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trở thành tàn phế, bệnh tật. Không chỉ một thế hệ mà chất độc da cam còn di truyền từ cha, mẹ những người trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam mà sang cả thế hệ thứ 2( con ) và thế hệ thứ 3( cháu). 

    Thiếu tướng Vũ Anh Thố và tác giả đang  trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam

Những người lính bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, khi trở về hậu phương, sức khỏe bị tàn phá, mắc nhiều chứng bệnh trong đó ung thư là một căn bệnh thường thấy. Khi họ lấy vợ, những đứa con sinh ra nặng thì quái thai, không đầu, không xương, không mắt; nhẹ có thành người thì cũng bị tàn tật, chân tay co quắp, bị mù, câm điếc, tâm thần hay toàn thân bị lở loét…có khoảng nửa triệu trẻ em Việt Nam sinh ra bị tàn tật bởi ảnh hưởng chất độc da cam.
Không một ông bố, bà mẹ nào trên thế gian này lại không cầu mong cho những đứa con của mình sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh, thậm chí họ có thể hy sinh cả tính mạng của mình để đánh đổi lấy sự bình an, hạnh phúc cho con. Những người lính Việt Nam cũng thế, từ chiến trường trở về, họ lấy vợ, lấy chồng, xây dựng cho mình một ngôi nhà hạnh phúc, chỉ trong một túp lều tranh cũng đã mãn nguyện. Rồi họ hồi hộp đón chào đứa con đầu tiên được sinh ra nhưng nhiều bà mẹ đã khóc thét lên hoặc ngất lịm đi khi thấy đứa con của mình không mang hình hài của một con người. Ngay cả những người lính cũng không thể tưởng tượng nổi đứa con của mình sinh ra lại như thế. Ngày ấy họ chưa hiểu đó là do ảnh hưởng của chất độc da cam nên sinh tiếp đứa con thứ 2, thứ 3, thứ 4 để hy vọng có được một đứa con là người nhưng nỗi đau lại chồng lên nỗi đau khi mà những đứa con của niềm tin và hy vọng cũng không là người lành lặn; đứa không có mắt, đứa không có chân tay, đứa có chân tay thì bị bại liệ, câm điếc. Nhiều người thiếu hiểu biết, ác mồm nói rằng tại họ ăn ở thất đức nên bị trời đất trừng phạt.
Vũ Thư, một huyện gần như thuần nông của tỉnh Thái Bình, trong khánh chiến chống Mỹ đã có hàng vạn người ra trận, vượt qua bao bom đạn, chết chóc, đói rét, bệnh tật và khi đã làm xong sứ mệnh cao cả đem lại hòa bình cho đất nước, họ trở về quê hương. Rất nhiều người trong số họ không thể biết rằng chiến tranh đã kết thúc nhưng một cuộc chiến tranh mang tên da cam còn khốc liệt, bi thương hơn vẫn đeo bám họ trong suốt cuộc đời họ, con họ, cháu họ. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, chúng tôi, thiếu tướng Vũ Anh Thố- Nguyên Phó tư lện Phòng không không quân, doanh nhân Phúc An, nhiếp ảnh gia Minh Tân, thay mặt cho các học viên Lớp bồi dưỡng viết văn Khóa XI của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn nguyễn Du – Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng 25 triệu đồng ủng hộ 10 nạn nhân ở Vũ Thư. Chúng tôi đi cùng với đoàn thăm hỏi, trao quà của ủy ban huyện do Phó chủ tịch Phạm Công Diện đại diện. 
Chị Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam cho biết hiện nay huyện Vũ Thư có hơn 1.500 nạn nhân đang được hưởng chế độ trợ cấp nhà nước, trong đó có tới 100 gia đình có trên 300 nạn nhân nặng đặc biệt khó khăn; có nhiều gia đình có từ 3 – 4 nạn nhân nặng như gia đình ông Bùi văn Nhượng – xã Vũ Vân, ông phạm Văn Vĩnh – xã Vũ Đoài, bà Nguyễn Thị Mến – xã Việt Hùng, ông Lại Văn Biên – xã Tân Hoà, ông Trần Văn Huống – xã Trung An, ông Phạm Văn Phán – xã Song Lãng, ông Lê Văn Bính – xã Vũ Hội. Hầu hết các nạn nhân nặng đều mắc chứng bệnh ung thư, tâm thần điên dại, bại liệt.
Từ lời kể đến hiện thực là một khoảng cách rất dài về nỗi đau, nước mắt và sự cảm phục vô hạn về những người lính và thân nhân của họ. Người lính Lê Văn Bính ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội có ba người con bị nhiễm chất độc da cam di truyền từ ông, một người con tàn tật nằm trên giường bên cạnh một bà mẹ dường như đã quá cạn kiệt cả về sức khỏe lẫn nước mắt vì thương con. Tôi hỏi ông Bính thế hai đứa con kia của ông đi đâu? Ông bảo cả hai bị tâm thần, chúng đi đâu không rõ. Có khi trời chưa sáng, chúng đã xuống giường đi lang thang chỗ này chỗ kia, đến bữa ăn cũng không biết đói mà về; có khi trời tối đêm mà vẫn chưa thấy con về nên bố mẹ phải tất tả đi tìm con. Chỉ ngộ có việc chăm sóc bản thân ông đang mang đầy bệnh trong người và ba người con bị chất độc da cam cũng đã là quá sức, ấy thế mà vợ chồng ông vẫn phải lăn lộn kiếm sống vì phụ cấp không đủ sống. Ông Phạm Công Diện tâm tư, mặc dù Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đối tượng nạn nhân chất độc da cam nhưng so với đời sống hiện nay thì vẫn còn quá thấp, nạn nhân chất độc da cam, tùy theo nặng nhẹ được Nhà nước trợ cấp từ 850 ngàn đồng đến 1,3 triệu đồng một tháng. Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc cam huyện Vũ Thư đã vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cơ quan đoàn thể được 5 tỷ đồng để trợ giúp cho cho các gia đình nạn nhân và cho 120 cháu, mỗi cháu một năm được thêm 1,2 triệu.
Thế vẫn là may, có cháu đến bây giờ vẫn chưa nhận được trợ cấp của Nhà nước như chị Trần Thị Gương, con người lính Trần Thanh Bình ở xóm 10 xã Trung An, ông bị nhiễm chất độc da cam, di truyền sang ba con. Hai người con trai thì bị lở toàn thân, chạy chữa mãi nay đỡ nhiều, cô con gái sinh 1984 thì đến năm 2010 bị phát bệnh tâm thần.
– Này các anh cẩn thận kẻo bị ném đấy!
Chi Minh nhắc nhở chúng tôi. Mọi người chỉ dám nhìn cô qua cửa sổ, bởi sợ cô tỉnh dậy, vớ được cái gì cô lại ném túi bụi vào mọi người như nhiều lần cô từng némngười. Giữa trưa hè oi bức mà cô vẫn mặc quần áo dài, chân đi tất, lại quấn thêm chiếc vỏ chăn nằm trên chiếc giường cô lập trong một căn buồng.
Có tiếng đàn ông khóc nức nở từ sân đi vào, thì ra là tiếng khóc của ông Bình, ông vừa đi thăm ruộng về, thấy có người đến thăm con gái, ông xúc động quá. Vợ ông bảo, ông ấy hay khóc lắm, khóc vì thương đồng đội đã hy sinh và khóc thương cho gái ông vẫn chưa nhận được công nhận là nạn nhân chất độc da cam, không phải đòi hơn một triệu trợ cấp mà đòi sự công bằng. Nguyên nhân con gái ông chưa được công nhận là nạn nhân chất độc da cam là do chưa xác nhận thực trạng sức khỏe của cô. Gia đình chị Gương là gia đình cách mạng. Ông nội chị là Trần Văn Trương, sinh năm 1927, hai lầ bị tù đầy, là thương binh đã mất . Bác ruột chị là Trần Văn Thà, hy sinh năm 1972. Còn bố chị là bộ đội công binh, 10 năm ở chiến trường Tây nguyên. Tôi có đặt vấn đề về giải quyết chính sách cho chị Gương, Phó chủ tịch huyện Phạm Công Diện bảo rằng huyện sẽ thành lập tổ công tác làm việc với Đảng, ủy ban xã để chị Gương sớm được hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam.
– Này, các anh cẩn thận không bị ném đấy!
Tiếng chị Minh một lần nữa nhắc nhở chúng tôi hãy cảnh giác kẻo bị bát đĩa, hay vật gì đó ném vào người hoặc sẽ bị rượt đuổi bởi một nạn nhân chất độc da cam ở xónTân Tiến Đức, xã Nguyên Xá. Thiếu tướng Võ Anh Thố không chút do dự, ông đi lại phía căn buồng đang nhốt nạn nhân, chúng tôi đi theo ông và tất cả đều bàng hoàng xúc động khi chứng kiến một người đàn ông trần truồng, không một chiếc quần, không một manh áo, chân bị xích sắt trong căn buồng bé nhỏ độ 3 m2, cửa ra vào, cửa sổ đều không có cánh.
Nạn nhân ấy là là Phạm Văn Tác, sinh năm 1975, con của người lính Phạm Xuân Ninh, năm 1965 ông vào bộ đội là lính lái xe Trường Sơn. Những trận bom Mỹ dội xuống những cung đường mà xe ông đi qua, có bao nhiêu lần ông thoát chết trong gang tấc không làm ông buồn đau bằng cảnh, ngày ngày, đêm đêm, ông phải chứng kiến đứa con tâm thần của mình bị xích chân. Không xích chân, anh sẽ lên cơn đập phá, đánh cả bố mẹ, quần áo cũng xé nát. Mùa hé nóng nực, xé quần áo, trần truồng còn được chứ không hiểu mùa đông thì thế nào? Một câu hỏi hơi thừa của nhiều người, bởi một bệnh nhân tâm thần thì đông hay hè cũng thế thôi, có biết đâu là nóng, biết đâu là lạnh!
Anh Tác có khuôn mặt khá đẹp, thân hình cao ráo, nếu không bị chất độc da cam làm cho thân tàn ma dại thì anh đã có vợ đẹp, con khôn, thậm chí đã có thể lên chức ông nội, ông ngoại. Mẹ anh, một người phụ nữ hẳn xưa kia thuộc vào loại xinh đẹp nhất nhì làng, vì ngưỡng mộ người lính trở về như một người anh hùng nên đã từ bỏ bao đám giàu có để lấy một người lính nghèo. Bà không ân hận vì đã chọn người lính làm chồng nhưng bà oán trách những kẻ đã gieo cái chết âm thầm, ghê gớm cho chồng, cho con bà. Bà và hàng triệu người vợ vô tội đã và đang chịu cảnh bất hạnh khôn cùng vì chất độc da cam cũng muốn gửi bức thông điệp đến chính phủ Mỹ, hãy nhìn nhận lại thảm họa da cam do quân đội Mỹ gây ra một cách khoa học, khách quan, nhân văn để rồi có chính sách bồi thường cho các nạn nhân. Dẫu không làm cho chồng, cho con, cho cháu họ trở lại thành người như một người bình thường nhưng cũng chút nào xoa dịu nỗi đau quá lớn trong họ.
Chất độc mà da cam không chỉ tàn phá sức khỏe, để lại di chứng cho người trực tiếp tiếp xúc, ăn uống, hít thở với nó, mà nó còn di truyền sang cả thế hệ thứ ba. Thì đây, chúng tôi đang tận mắt chứng kiến cảnh người lính Phạm Văn Vĩnh sinh năm 1946 ở xóm 1, xã Vũ Đoài, ông bị nhiễm chất độc da cam, nay biến chứng sang ung thư phổi và dạ dày. Ông ngồi trên giường, thở dốc tiếp khách. Bây giờ ông đang chuẩn bị tâm thế đi về với những người lính của ông đã ngã xuống nơi chiến trường để khỏi phải đau đớn và khỏi phải tốn tiền con cháu. Mà con cháu ông cũng làm gì có tiền. Ông có hai con trai, một con bị ung thư xương, người gày gò, chỉ thấy da bọc xương. Hai đứa cháu nội của ông cũng bị di truyền bởi chất độc da cam, cả hai đều ngơ ngác, ốm yếu, có cháu còn khuyết tật ở bộ phận sinh dục. 
Gia đình ông Vĩnh và biết bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam mà ba thế hệ, bố, con, cháu đều bị tàn phá bởi chất độc da cam. Hỏi có nỗi đau nào trên thế gian này sánh được? Không sánh được và khi căn bệnh ung thư do di họa của chất độc da cam chưa quật ngã được ông, dù ông nằm trên giường nhiều hơn đi dưới đất nhưng ông vẫn là người lính cầm khẩu súng” tinh thần” trong cuộc chiến chất độc màu da cam; an ủi, động viên vợ, con, cháu vượt lên nỗi đau vì dân vì nước.

Bút ký của VŨ ĐẢM