Tin nổi bật

Đắk Lắk phát huy vai trò Trung tâm Tây Nguyên

2:57 sáng | 18/01/2020

Đắk Lắk quyết tâm thực hiện tốt 3 đột phá về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; tạo nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thực hiện kết luận số 60 của Bộ Chính trị về xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020; thực hiện thành công vai trò Trung tâm vùng Tây Nguyên.

Giá trị SXCN tăng, hạ tầng CCN còn hạn chế

Theo báo cáo của Sở Công thương Đắk Lắk, trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) ước đạt 10.760 tỷ đồng, tương đương 65,21% kế hoạch năm, tăng 4,87% so cùng kỳ, giá trị công nghiệp trong 04 lĩnh vực gồm khai khoáng; chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, nước đều tăng so với cùng kỳ.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 59.375 tỷ đồng, tương đương 81,3% kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 422 triệu USD tăng 8% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ươc đạt 57 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ.

Về hoạt động đầu tư, hiện Đắk Lắk có 14 CCN (693,66 ha) được phê duyệt quy hoạch, 8 CCN đang hoạt động với 148 dự án, tỷ lệ lắp đầy đạt 62,1%. Trong số 08 CCN này, chỉ có 3 CCN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện tình hình đầu tư hạ tầng tại các CCN là rất hạn chế do thiếu nguồn vốn, một số CCN chưa phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Tính đến tháng 9/2019, Sở đã triển khai thực hiện 18/18 đề án khuyến công (100% kế hoạch), tham gia 03 hội chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ sản phẩm lên men quốc tế tại Hàn Quốc năm 2019, phối hợp tổ chức phiên chợ về miền núi năm 2019, phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị phổ biến tác động của hiệp định CPTPP, triển khai đề án ấn phẩm quảng bá xúc tiên thương mại tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Ngoài ra, Sở cũng tổ chứ 02 đoàn khảo sát kết nối giao thương ngoài tỉnh và 03 đoàn trong tỉnh với 58 biên bản ghi nhớ được ký kết.

Dự trên kế quả báo cáo, Sở Công thương Đắk Lắk kiến nghị tỉnh bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ về thủ tục đất đai đối với 03 dự án siêu thị coop-mart để triển khai và đi vào hoạt động năm 2020; thu hồi các dự án trong CCN không thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng.

Tiến tới chế biến sâu

Với lợi thế về phát triển nông nghiệp mà cụ thể là sản phẩm cà phê (200 ngàn ha), tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của Đắk Lắk là rất lớn, nhưng hiện tại Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu và bán cà phê nhân, sản lượng cà phê chế biến sâu chỉ đạt 10%.

Để cải thiện tình hình, trong những năm tới, Đắk Lắk tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm cà phê nói riêng và mặt hàng nông sản nói chung nhằm nâng cao giá trị nông sản. Để đạt mục tiêu này, Đắk Lắk đã đề ra bốn giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; tạo thể chế thị trường đủ mạnh và thông suốt để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu; tạo vùng nguyên liệu chất lượng; đào tạo nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến cà phê và nông sản.

Thứ hai, tăng cường CCHC, tạo lòng tin cho doanh nghiệp; kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Thứ ba, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các CCN, khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn đầu tư vào các CCN; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, “Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, tạo lợi thế cạnh tranh để Doanh nghiệp mặn mà với ngành hàng này.

Thứ tư, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và đầu tư, quảng bá sản phẩm đặc trưng; dự báo kịp thời về thị trường; đăng ký bảo hộ cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” tại thị trường quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Mê Thuột gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi; thành lập các chi hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi cho nông dân và các thành viên.

Thúc đẩy vai trò trung tâm Tây Nguyên

Với quyết tâm thực hiện thành công vai trò Trung tâm vùng Tây Nguyên, xứng đáng là thủ phủ cà phê của Việt Nam và trở thành điểm đến cà phê thế giới, Đắk Lắk quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi môi hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh trạnh giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, công nhân kỹ thuật lành nghề, thu hút lực lượng giáo viên chất lương cao, đưa ĐH Tây Nguyên trở thành trung tâm đào đạo chất lượng cao cho cả khu vực.

Kế đến, Đắk Lắk sẽ tăng cường chính sách khuyến khích đầu tư, cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh; đặc biệt là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng 2030; phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, ưu tiên sản xuất hàng hoá công nghệ cao (cà phê, cao su, hồ tiêu).

Triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng; thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến 2030, tiến tới phát triển sản xuất cà phê hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu.

Châu Kiệt