Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng  nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm gần đây quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về trao đổi kinh tế và thương mại. Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam cũng có sự hợp tác hiệu quả ở cấp độ quốc tế. Cả hai nước đều hỗ trợ nhau tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Tuy nhiên, ông Khương cho rằng dù được xác định là thị trường tiềm năng nhưng nhìn vào những kết quả đã đạt được trong hợp tác kinh tế thương mại, cụ thể, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của 2 nước chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (khoảng 0,6%), có thể nhận thấy một thực tế là quan hệ kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị song phương tốt đẹp, ông Khương đánh giá.

Ông Khương cho rằng, với yếu tố thuận lợi như cả hai nước đều muốn có nhu cầu mở rộng trao đổi hàng hóa và đầu tư quốc tế, quan hệ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa đặc biệt là trong các lĩnh vực chế tạo và xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở, hiện đại hóa y tế, chế biến thực phẩm….

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy cách xa nhau về địa lý, khác biệt về văn hóa và lịch sử, nhưng hai nước có nhiều nét tương đồng. Thổ Nhĩ Kỳ là cây cầu nối giữa hai lục địa Á-Âu, Việt Nam là cửa ngõ hàng hải tiến vào khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Nền kinh tế của cả hai nước đang phát triển nhanh chóng, cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Năm 2016, tổng kim ngạch hai chiều giữa 2 nước đạt 1,97 tỷ USD, tăng hơn 3% so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 1,33 tỷ USD, giảm 2,22% so với cùng kỳ năm 2015 và nhập khẩu 169,6 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ, tăng tới 13,38%. Mức xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao tới gần 1,16 tỷ USD tương đường với 87,23% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là kết quả đáng khích lệ nếu xét trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chậm, thậm chí có dấu hiệu đi xuống. Về đầu tư, hiện có 13 dự án của doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 730 triệu USD.

Hai nước cũng đã cùng ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần vào năm 2015 và tiếp tục đàm phán để có thể sớm ký các Hiệp định khác, trong đó có Hiệp định Hàng không, Hiệp định hợp tác hải quan, Hiệp định Hàng hải….

“Đây là những khung pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư của mình”, Phó Thủ tướng nhận định.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, theo Phó Thủ tướng, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Việt Nam coi hợp tác thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng để phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Ngoài trao đổi thương mại hàng hoá, hai bên còn nhiều cơ hội để phát triển hợp tác trong các lĩnh vực có thể bổ sung lẫn nhau như công nghiệp, đầu tư, nông nghiệp, văn hoá, du lịch, giáo dục, khai khoáng, dầu khí, hàng hải, kinh tế biển công nghiệp phụ trợ, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực và nhiều lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong việc triển khai, hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và đầu tư giữa Thổ Nhĩ Kỳ – Việt Nam trong thời gian tới, ngoài sự tăng cường của chính phủ thì cần có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Bởi doanh nghiệp mới là đối tượng chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế ngày càng tốt đẹp.

Ngoài ra, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cam kết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xoá bỏ những rào cản mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên đang gặp phải. Để con đường hợp tác của đôi bên được rộng mở.

Thủ tướng Binali Yıldırım cho biết, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam với mong muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, những lĩnh vực mà doanh nghiệp có kinh nghiệm.

Được biết, trong cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, hai bên đã đề ra nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và đã nhất trí nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều lên 4 tỷ USD vào năm 2020./.

Theo vcci.com.vn