Doanh nhân tiêu biểu

Doanh nhân Trần Văn Hoàng: Khởi nghiệp – Chưa bao giờ là quá trễ

1:47 sáng | 29/06/2018

Năm 2009, thời điểm mà rất nhiều công ty đang ở bờ vực phá sản vì chịu sự khủng hoảng chung của nền kinh tế. Anh Trần Văn Hoàng đã bắt đầu một hành trình mới mà không phải ai cũng mạnh dạng thực hiện vào thời điểm đó – thành lập công ty. Vượt qua những trở ngại ban đầu, để rồi sau gần 10 năm có mặt tại Vĩnh Long, công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc dần đi vào ổn định, kinh doanh tăng trưởng hằng năm và có những đóng góp thiết thực cho địa phương.

“Trong mỗi chúng ta ai cũng đều có cơ hội, quan trọng là thời điểm và quyết tâm của mình”

“Tôi mua tôn ở đây hoài mà tôi đâu biết anh là chủ”, nhiều khách hàng không khỏi ngạc nhiên khi biết anh Trần Văn Hoàng là giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc bởi anh ăn mặc giản dị, thường hay ngồi nói chuyện với nhân viên và tư vấn sản phẩm cho khách hàng.

Anh kể năm 2009, khi đó đang làm cho một công ty sản xuất tôn ở TP.HCM, với vai trò là giám đốc chi nhánh Đà Nẵng, công việc khá ổn định theo nhận địnhh của nhiều người. Nhưng tuổi trẻ muốn dấn thân thử thách tìm cơ hội mới để lập nghiệp, với quyết tâm và ý chí của mình vậy là anh quyết định nộp đơn xin thôi việc. Với mức lương khi đó gần 14 triệu/tháng, không phải ai cũng có thể từ bỏ công việc như vậy, nhiều bạn bè thấy tiếc cho anh nhưng cũng có người ủng hộ sự mạnh dạng đó, hãy theo đuổi mơ ước của bản thân. “Đối với mình vấn đề chỉ là làm hay không làm mà thôi” anh Hoàng chia sẻ.

Mình có được cái thuận lợi là nền tảng xuất phát điểm khá tốt vì làm ngành này khá lâu năm rồi, cho nên khi khởi nghiệp mình cũng không bỡ ngỡ nhiều”. Tích lũy nghiệm gần mười năm làm thuê, anh chuẩn bị khá chu đáo và kỹ càng trước khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, sau khi tìm hiểu nhiều nơi cuối cùng anh chọn Vĩnh Long để gửi gắm niềm tin. Trả lời vì sao chọn Vĩnh Long mà không phải nơi nào khác? Anh chỉ cười và nói: “Trước hết là thái độ nhiệt tình của sở ban ngành nhất là sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh. Mặc dù năm 2009, cơ sở hạ tầng ở Vĩnh Long khá nghèo, đường vẫn còn sình đất, mưa thì nước ngập, nhưng tôi nhận thấy ngành tôn này còn rất nhiều tìm năng để phát triển”.

Khi còn làm chỗ cũ, do công việc hay đi thị trường cho nên anh thường xuyên xuống Vĩnh Long tìm hiểu môi trường kinh doanh, gặp gỡ Sở KH&ĐT, thông qua bạn bè tìm kiếm mối quan hệ mà theo anh chia sẻ vừa phải lo một lúc ba loại giấy: giấy đăng ký kinh doanh, giấy khai trương và giấy xin thôi việc. Một mặt phải chăm cho “đứa con” mới hình thành, mặt khác phải lo giải quyết hết phần việc còn tồn đọng ở công ty cũ, “làm sao để khi gặp lại sếp mình không thấy hổ thẹn hay ngại ngùng trong lòng”.

Trong quá trình làm giám đốc thuê, anh đã tích lũy cho bản thân khá nhiều kiến thức về khởi nghiệp mà khi nhắc đến, anh luôn tự hào là bản thân thường hay đi học, tham gia các lớp quản trị khởi nghiệp. Khi đã có kinh nghiệm thực tiễn, cơ sở vật chất cho đến con người xong xuôi hết mới chắc chắn ra lập công ty riêng.

Nắm bắt tình hình và không ngừng cải tiến

Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc được thành lập với 3 người chủ chốt là một kế toán, một phó giám đốc kinh doanh (là cấp dưới khi anh còn làm ở công ty cũ) để cập nhật tình hình giá cả vật liệu lên xuống và một kỹ thuật chuyên lo máy móc trang thiết bị. Nếu như công ty thành lập năm 2009 thì đầu năm 2010, anh Hoàng đã đăng ký sở hữu trí tuệ logo, quản lý công ty vận hành theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Kết hợp với các mối quan hệ từ trước đó với khách hàng, công ty Hoàng Thiên Lộc dần di vào ổn định. Cũng chính nhờ uy tín anh xây dựng lúc còn đi làm thuê cho nên công ty anh không phải đối ứng vốn cho đối tác, do vậy mà áp lực vốn đối với anh cũng “dễ thở” hơn.

Giám đốc Trần Văn Hoàng cho biết thêm, “Bất cứ ngành nào chứ không chỉ riêng ngành tôn, máy móc rất quan trọng bởi tâm lý khách hàng lúc nào cũng muốn có liền, họ ngại khi mua hàng phải chờ đợi. Mà khi đó ở Vĩnh Long, khách hàng muốn mua tôn thì phải chờ đợi khá lâu, trong khi ở TP.HCM khi đến mua là có liền. Quan điểm kinh doanh của tôi là hàng của mình phải mắt thấy – tai nghe – tay sờ được”. Tuy nhiên, ngành nào cũng có những cái khó khăn của riêng nó. Tôn là vật liệu khá cồng kềnh, không thể vận chuyển đi xa cho nên chủ yếu bán trong tỉnh, đối với những khách hàng ở huyện (Tam Bình, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn) muốn mua mẫu đẹp hơn thì phải tìm ở thành phố Vĩnh Long. Công ty của anh là địa lý ủy quyền của tôn Bluescopef Zacs – Tập đoàn lớn của Úc cho nên sản phẩm lúc nào cũng đa dạng: tôn màu, tôn kẽm, tôn lạnh (dạng cuộn), tôn sóng vuông, tôn sóng ngói, xà gỗ, thép (đen, kẽm), cắt – cán theo yêu cầu của khách hàng…

Nếu như cách đây 10 năm, tại Vĩnh Long chỉ có khoảng 6 xưởng sản xuất tôn thì hiện nay đã có tới có khoảng 18 xưởng, mật độ ngày càng dày và áp lực cạnh tranh cũng khá gay gắt, buộc lòng doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích nghi trong bối cảnh chung. “Mẫu mã thì ngày càng đa dạng buộc lòng mình phải cập nhật nếu không là lạc hậu ngay. Mình phải đáp ứng được yêu cầu của Khách hàng, có nhiều lúc dòng sản phẩm cao cấp mình phải nhập máy mấy tỷ về để sản xuất, những dòng đó lại không thông dụng nhưng mình vẫn phải làm, phải chấp nhận. Làm ngành này mà tiếc là không làm được”, anh Hoàng cho biết.

Phương châm hoạt động của Công ty là Uy tín, Chất lượng và Chuyên nghiệp. Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc đã không ngừng phấn đấu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu, mẫu mã đẹp. Thời gian tới, Công ty sẽ tăng quy mô kinh doanh, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới. Công ty cam kết luôn đem tới những sản phẩm có chất lượng tốt nhất và đảm bảo thi công đúng tiến độ, thẩm mỹ cho công trình.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp và tạo ra giá trị cho cộng đồng

Theo anh Hoàng, nhiều bạn trẻ hiện nay suy nghĩ chưa đúng về khởi nghiệp, cứ nghĩ khởi nghiệp là phải làm chủ, phải quản lý, chức này vị trí kia… Sinh viên vẫn còn tâm lý phải học đại để xin việc, cho nên khi tốt nghiệp mà không tìm được việc làm thì các em không biết làm gì khác. Điều qua trọng là phải giúp các bạn thay đổi tư duy, đừng quá phụ thuộc vào đào tạo, lý thuyết trên lớp và tư tưởng làm “ông này bà nọ”.

Đối với những bạn sinh viên mới ra trường thì kinh nghiệm thực tiễn chưa có, chẳng hạn như trường hợp của anh, mặc dù là giám đốc chi nhánh nhưng thực chất công việc là chỉ điều hành trên giấy bởi tiền đó không phải tiền của mình, căn bản anh cũng chỉ hoàn thành trách nhiệm của người làm thuê. Anh Hoàng vẫn hay chia sẻ với các bạn sinh viên trường ĐH Cửu Long, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, rằng: “Nếu các em ra trường không đi làm thì vẫn có thể về làm vườn trồng rau nuôi gà, nông nghiệp cũng là một nghề, dù em trồng cây gì hay nuôi bất cứ con gì thì cũng cần có tuy duy trong đó, những em nào tư duy hiện đại sẽ biết mua thức ăn gì, thuốc gì. Các em đừng có quá phụ vào tư tưởng học ngành này phải có bằng cấp này, ra làm với mức lương này. Bao giờ người làm cũng hỏi công ty chế độ tốt hay không. Tôi thấy chế độ tốt hay không phải phụ thuộc vào người lao động nữa. Về cơ bản thì doanh nghiệp nào cũng muốn làm tốt chế độ rồi”.

Để có thể khởi nghiệp thành công, bên cạnh ý tưởng thì cần phải làm tốt công tác quản trị nhân lực mà theo nhiều người đây là khâu là khó nhất. Mỗi người mỗi tính, làm sao để hài hòa giữa các chức vụ với việc giao quyền hành cho mỗi người, quản lý nguồn nhân lực là cả một vấn đề và cần có nghệ thuật trong đó. Đồng thời, các doanh nghiệp phải biết áp dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp để nhằm gia tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian trong sản xuất. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng là một yếu quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Đối với Công ty Hoàng Thiên Lộc là một trong những đơn vị tiêu biểu ở Vĩnh Long được Sở LĐTB&XH tỉnh đánh giá cao trong những lần kiểm tra, nhà xưởng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sạch thoáng và vận hành theo chuẩn ISO của tập đoàn Úc.

Là một trong số các hội viên tích cực của Hội doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long, công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc cũng như bao doanh nghiệp khác đã và đang mang đến những mái ấm cho người nghèo. Vừa qua, Hội đã trao một số căn nhà tình nghĩa cho bà con ở Trung Ngãi, Vũng Liêm, sắp tới Hội sẽ trao thêm 2 căn nữa. Những việc làm hiệu quả và ý nghĩa đó điều xuất phát từ trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp. “Mình là Doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm an sinh xã hội, mình có nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, cho người ta một mái ấm chia sẻ bớt khó khăn của người nghèo. Người ta vẫn có câu An cư lạc nghiệp. Cũng vì chữ An cư lạc nghiệp mà tôi mới ra làm công ty riêng”, anh Hoàng vui vẻ cho biết./.