Tin nổi bật

Đồng Tháp: Nâng cao chất lượng hạ tầng và lao động, đón đầu dự án FDI

1:52 sáng | 01/11/2019

Ông Trương Hoà Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) Đồng Tháp bày tỏ tin tưởng Đồng Tháp sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng và đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường.

Xin Ông cho biết tiến độ đánh giá sơ bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) của Đồng Tháp trong năm 2019?

Năm 2018 là năm thứ 11 liên tiếp Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 3 liên tiếp nằm trong nhóm 3 các tỉnh thành đứng đầu bảng xếp hạng PCI.

Lý do mà UBND tỉnh triển khai DDCI là nhằm đánh giá năng lực điều hành của lãnh đạo Sở, ban, ngành và địa phương bởi nếu các chính sách không được triển khai hiệu quả ở các cấp này, nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng.

Ngoài ra, Bộ chỉ số DDCI là kênh thông tin đáng tin cậy để doanh nghiệp đóng góp ý kiến nhằm nâng cao năng lực điều hành của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; nâng cao môi trường sản xuất, kinh doanh.

Là đơn vị đầu mối, Sở KH-ĐT Đồng Tháp đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức lấy ý kiến về các chỉ số thành phần, đối tượng tham gia và được đánh giá…Theo đó, 9 chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI đã được tỉnh ban hành gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất; tính ứng dụng CNTT).

Vì là năm đầu tiên thực hiện, nên việc lựa chọn đối tượng đánh giá phải phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Dự kiến sẽ có 15 Sở, ban, ngành được đánh giá cùng 12 uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố. Đối tượng tham gia đánh giá là các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, các HTX đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hiện tại, đơn vị tư vấn đang thu thập thông tin để phục vụ cho việc khảo sát, đánh giá sau khi Bộ chỉ số DDCI được ban hành. Dự kiến, kết quả đánh giá sẽ được công bố vào Quý IV/2019.

Tôi kỳ vọng, qua việc thực hiện Chỉ số DDCI, sẽ giúp đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện/thị xã/thành phố và các sở, ban, ngành. Từ đó, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Đồng Tháp.

Liệu Đồng Tháp có tiếp tục thực hiện giải pháp “thu hút đầu tư tại chỗ” khi mà đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là khá khiêm tốn?

Thực tế, chúng tôi đã từng bước xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư thông qua các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ máy chính quyền các cấp.

Do đó, không chỉ “thu hút đầu tư tại chỗ”mà chúng tôi luôn chào đón và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI. Hiện Đồng Tháp có 22 dự án FDI đang hoạt động, chủ yếu thuộc các ngành: chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản, chế biến lương thực, da giày; doanh thu năm 2018 đạt 135,4 triệu USD. So với quy mô kinh tế của tỉnh, rõ ràng đóng góp của khu vực FDI là chưa tương xứng. Chính vì vậy, trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Đồng Tháp luôn chú trọng thu hút các kênh đầu tư từ các quốc gia, khu vực có nhiều tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn quốc, Hoa kỳ, EU, Đài Loan – Trung Quốc… Hiện tại, đã các nhà đầu tư từ: Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đài Loan – Trung Quốc đang thực hiện dự án tại Đồng Tháp.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ dành nguồn lực đầu tư mạnh hơn nữa vào kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường…Là địa phương có môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều tiềm năng phát triển, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án FDI được đầu tư tại Đồng Tháp; qua đó, khu vực FDI sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng Tháp có giải pháp nào để thu hút những “con sếu đầu đàn”nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung?

Nỗ lực thu hút các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trên địa bàn tỉnh bắt đầu có chuyển biến tích cực. Chúng tôi đã thu hút thành công các dự án FDI quan trọng như Mavin Ausfeed, Cargill, Guyomarc’h, công ty Nghị Phong, Tỷ Thạc, và gần đây là công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastic. Ngoài ra, các tập đoàn lớn trong nước cũng đã có quyết định đầu tư tại Đồng Tháp như: Vincom, FLC…

Hiện một số nhà đầu tư lớn đang tiến hành nghiên cứu các dự án trong lĩnh vực phát triển đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch…

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chúng tôi sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; đưa ra các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng…

Xin Ông cho biết thêm nỗ lực của tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Đồng Tháp?

Trong những năm qua, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến công tác tạo lập môi trường đầu tư thân thiện, đồng hành và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thông qua các mô hình như: “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán nông dân”…Các hoạt động này đang hoạt động hiệu quả, tạo sự kết nối linh hoạt giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ vốn và tư vấn chính sách tín dụng, phối hợp với Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức tuyển chọn dự án tiềm năng cho chương trình ươm tạo của Quỹ.

Kết quả là nhiều dự án khởi nghiệp đạt giải cao tại các hội thi cấp khu vực và toàn quốc, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp trong lĩnh nông nghiệp, qua đó đã góp phần hun đúc tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực hoàn chỉnh hệ thống thông tin, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng trong đô thị; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo môi trường cung cấp thông tin nhanh nhất theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nỗ lực của chúng tôi không nằm ngoài mục tiêu đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.