Thương hiệu nổi tiếng

Du lịch Tiền Giang: Cần quy hoạch đồng bộ, liên kết vùng chặt chẽ

3:19 sáng | 26/05/2018

Là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái: nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn và vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười, Tiền Giang đặt mục tiêu đón gần 2 triệu khách du lịch trong năm 2018 và 2,2 triệu khách năm 2020, Tạp chí Văn hoá Doanh nhân phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch Tiền Giang (VH-TT-DL) về thực trạng và giải pháp phát triển du lịch của tỉnh.

 

Ông vui lòng cho biết những thay đổi tích cực trong hoạt động phát triển du lịch của Tiền Giang trong những năm gần đây?

Những năm gần đây, ngành du lịch Tiền Giang đã thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Hiệu quả là rất tích cực.

Tỉnh đã tăng cường đầu tư, mở rộng các khu, điểm du lịch (KDL biển Tân Thành, Cù Lao Thới Sơn, Cái Bè), nâng cấp cơ sở lưu trú, phát triển nguồn nhân lực và phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trung bình mỗi năm chúng tôi đón trên 1,8 triệu lượt khách.

Tiền Giang hiện có 64 đơn vị kinh doanh lữ hành (16 đơn vị quốc tế); 24 khu, điểm du lịch chính; 15 làng nghề truyền thống; 737 phương tiện vận chuyển đường thủy (427 tàu thủy du lịch và 310 đò chèo du lịch); 270 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 7 ngôi nhà cổ trên 100 năm phục vụ homestay) cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh dịch vụ.

Ngành du lịch đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, giúp xoá đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Giải pháp và chính sách nào giúp Tiền Giang đẩy mạnh phát triển du lịch?

Tiền Giang đã triển khai quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các dự án du lịch trọng điểm. Đến năm 2030, Tiền Giang phấn đấu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn – nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, chúng tôi hiện đang tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư riêng của tỉnh dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như: chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự  án du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, các nguồn lực trong nhân dân…tháo gỡ khó khăn cho các dự án du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch Tiền Giang; phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với TP. HCM và các tỉnh trong vùng để thu hút đầu tư và xây dựng tuyến du lịch liên kết, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng – miền, hạn chế tính trùng lắp sản phẩm và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Sở quan tâm như thế nào đến công tác bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử-văn hoá?

Tiền Giang có 166 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia (Rạch Gầm –Xoài Mút là di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 144 di tích cấp tỉnh.

Để bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, Sở VH-TT-DL Tiền Giang luôn chủ động tìm nguồn kinh phí (từ Trung ương, tỉnh, xã hội hóa..) trùng tu, tôn tạo di tích để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân địa phương và du khách. Chúng tôi đã bảo tồn và phát huy tốt giá trị 22 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh đã tiến hành kết nối các tuyến du lịch với các di tích lịch sử – văn hoá góp phần thu hút khách. Năm 2017, Tiền Giang đón 1.850.000 lượt khách, trong đó có 545.000 lượt khách tham quan các di tích lịch sử – văn hóa.

Tiền Giang dành sự quan tâm như thế nào đến mô hình du lịch sinh thái miệt vườn?

Là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái; nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn và vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười, Tiền Giang có ưu thế và thuận lợi riêng để phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn.

Mô hình này đã phát huy hiệu quả cao với sự tham gia của cả cộng đồng tạo lợi thế cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Thời gian tới, Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế của ba vùng sinh thái trên, kết hợp với bản sắc văn hóa mỗi địa phương, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng riêng phục vụ từng nhóm đối tượng. Cụ thể, tỉnh sẽ khai thác lợi thế sinh thái nước ngọt tại 03 khu vực chính gồm khu du lịch Cù Lao Thới Sơn, khu du lịch sinh thái Cái Bè và khu du lịch Cai Lậy. Tại vùng sinh thái ngập mặn ven biển Gò Công sẽ phát triển khu du lịch sinh thái biển Tân Thành-Hàng Dương.

Riêng tại vùng sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười, tỉnh sẽ phát triển khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với 107 ha rừng tràm, cùng với khu Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (có quy mô 30ha, lớn nhất ở Miền Nam) sẽ mở ra tour với sản phẩm mới ”du lịch sinh thái – tâm linh”.

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mang lại hiệu quả gì cho ngành du lịch Tiền Giang?

Tiền Giang đặc biệt ưu tiên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC. Tỉnh đã bố trí cán bộ đầu mối phụ trách việc công bố, công khai TTHC đến từng phòng ban và đơn vị trực thuộc, tuyên truyền trên các trang web của Sở.

Việc ứng dụng chữ ký số trong gửi và nhận văn bản bằng điện tử được thực hiện rộng rãi, giúp rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch hành chính. Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC có 98/100 thủ tục (thuộc thẩm quyền của Sở) được nâng cấp lên cấp độ 3 và tiếp tục nâng lên cấp độ 4 trong năm 2018.

Năm 2017, Sở giải quyết 662 hồ sơ, đơn giản hoá 02 thủ tục thuộc lĩnh vực du lịch (cấp độ 3). Việc thực hiện đảm bảo đúng quy trình tiếp nhận và trả hồ sơ, giải quyết đúng hẹn, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc giải quyết TTHC.

Đâu là mục tiêu của ngành du lịch Tiền Giang trong thời gian tới?

Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh ưu tiên xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút khách du lịch đến Tiền Giang. Năm 2018, Tiền Giang đặt mục tiêu đón  khoảng 1.990.000 khách du lịch (798.000 khách quốc tế) và 2.200.000 khách (900.000 khách quốc tế) vào năm 2020.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thực hiện 03 định hướng ưu tiên: phát triển du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, môi trường bền vững; phát triển du lịch biển; phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống.

Với lợi thế về tiềm năng, tài nguyên du lịch cùng sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Tiền Giang sẽ không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời nâng cao hình ảnh, sản phẩm du lịch Tiền Giang trong vùng ĐBSCL và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tiền Giang.

Kim Oanh thực hện