Bình Thuận

Huyện Tuy Phong: Phấn đấu phát triển theo hướng bền vững

9:17 sáng | 07/04/2018

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Thuận, cách Thành phố Phan Thiết khoảng 90km, huyện Tuy Phong có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến phát triển năng lượng điện. Bên cạnh Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, hiện nay đang thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 

Bức tranh kinh tế-xã hội đa sắc

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ – thương mại – du lịch và ngư – nông – lâm nghiệp. Huyện đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, nhiều dự án mang tầm cỡ quốc gia góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện nhà, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho lao động.

Cụ thể, trên lĩnh vực Công nghiệp đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thi công và từng bước đưa vào khai thác các dự án Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Tổng kho trung chuyển xăng dầu Dương Đông-Hòa Phú; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành cơ sở hạ tầng KCN, CCN; tích cực kêu gọi đầu tư phát triển Điện gió và Điện năng lượng mặt trời. Song song đó, trên lĩnh vực Thương mại, Dịch vụ: kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư vào xây dựng Siêu thị, Trung tâm thương mại tại thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương, Vĩnh Tân; xây dựng mới chợ Phước Thể, Chí Công. Về Du lịch: Tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Bình Thạnh, khu du lịch ven biển Hòa Phú – Hòa Thắng trong đó ưu tiên cho các dự án có quy mô lớn, có sản phẩm du lịch đa dạng, có tác động thúc đẩy du lịch Tuy Phong phát triển. Trên lĩnh vực Nông nghiệp: đã tạo nên thương hiệu Tôm giống Tuy Phong cung cấp sản phẩm trên toàn quốc và quốc tế. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án nuôi tôm giống công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch; các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao…

Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, huyện Tuy Phong đã tập trung nỗ lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện (trong đó tập trung thanh long, nho, lúa, mủ trôm); tập trung chỉ đạo giúp, hỗ trợ các HTX nông nghiệp bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển tiềm năng điện gió và điện mặt trời.

Huyện Tuy Phong có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; có bờ biển dài thuận lợi cho việc phát triển điện gió, ước tính mỗi năm có thể khai thác được hàng ngàn MW điện. Tuy nhiên hiện nay, tiềm năng này chỉ mới được khai thác một phần nhỏ chưa tương xứng với lợi thế của huyện. Trong giai đoạn tới, để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa về lĩnh vực này và phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, UBND tỉnh nói chung và huyện Tuy Phong nói riêng đề ra những chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư điện gió trên địa bàn.

Cụ thể về vấn đề này, đồng chí Huỳnh Văn Điển – Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Hiện nay trên địa bàn huyện Tuy Phong đã có 2 dự án đầu tư và đã đưa vào khai thác đó là: Dự án của Công ty Cổ phần năng lượng Tái Tạo Việt Nam đã đưa vào khai thác nhà máy Phong điện 1, có công suất 30M với tổng sản lượng điện hàng năm lên đến 85 triệu KWh/năm và Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình có công suất 24 MW với tổng mức đầu tư 1.089 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận cho cấp phép 17 công ty giấy chứng nhận, khảo sát đầu tư với công suất đăng ký lên đến hàng ngàn MW và trong đó đã có 5 công ty đang thực hiện các bước xây dựng và lắp đặt thiết bị với tổng công suất trên 200MW”. Ngoài lợi thế về gió, Tuy Phong còn có một lợi thế nữa là nắng, hiện nay, huyện Tuy Phong đang xây dựng Nhà máy nhiệt điện mặt trời. Nếu khai thác tốt điện gió cộng với điện năng lượng mặt trời được khai thác ở địa phương này, chắc chắn rằng Tuy Phong trong tương lai sẽ là một “vương quốc” khai thác điện năng rất lớn cho đất nước”.

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, huyện Tuy Phong thực hiện các biện pháp, giải pháp về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các dự án…đều tính toán kỉ lưỡng, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc sử dụng, khai thác khoáng sản, tài nguyên và các hoạt động có liên quan đến chất thải ra môi trường đều có qui trình xử lý phù hợp…Chú trọng về bảo vệ môi trường ngay từ khâu phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư. Kiên quyết không cho đưa vào xây dựng, vận hành khi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Đã có 100% dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động; 100% các KCN, 90% các cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường trước khi hoạt động; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới phải áp dụng công nghệ sạch và trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải…

                                                                                               Kim Băng