Cà Mau

Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Mấu chốt xây dựng nguồn nhân lực chất lượng

1:48 sáng | 24/12/2017

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, các quốc gia đều chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Việt Nam thì điều này càng không ngoại lệ. Cũng chính vì thấu hiểu được quy luật tất yếu này, và cũng không để tụt hậu xa với trình độ chung đó, thời gian qua Sở LĐTB&XH Cà Mau đã không ngừng đưa ra những chính sách đổi mới trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.  

                   Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau

Gặt hái thành công

Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định trong giai đoạn 2016-2020 cả nước sẽ “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH”. Theo đó, UBND tỉnh, cũng như Sở LĐTB&XH Cà Mau cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách giải pháp đồng bộ, huy động nhiều nguồn lực tập trung phát triển đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Với các chương trình, dự án đào tạo nghề được lồng ghép cùng chương trình phát triển KT-XH của tỉnh. Nhờ vậy mà chất lượng nguồn nhân lực địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ năm 2011-2017, tỉ lệ lao động xã hội qua đào tạo tăng từ 26% lên 57%. Trong đó lao động qua đào tạo phục vụ ở ngành nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 57,2%; công nghiệp sửa chữa, may mặc, chế biến, dịch vụ chiếm 42,8%. Trên cơ sở đó, Ngành cũng đang hướng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên đạt 50,05%.

“Hiện Ngành cũng đang triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các Trường đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn. Đây được xem là kênh thông tin nhiều chiều, kết nối giữa các trường đào tạo trong cả nước với doanh nghiệp. Qua đó góp phần không nhỏ trong việc thu hút lao động có trình độ cao cung cấp cho doanh nghiệp” – Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau cho biết thêm. Bằng quyết tâm của Ngành, cùng những đường lối đúng đắn này, nguồn nhân lực nghề nghiệp hiện nay đã đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, gắn đào tạo với sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Nói về những yếu tố đảm bảo quy trình giáo dục có “Chất” phải lấn át “Lượng”, Ông Ân cho biết “Để đáp ứng yếu tố này thì đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải trang bị đầy đủ cơ sở vất chất, trang thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình… phù hợp. Đi liền với công tác ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, với yêu cầu đội ngũ giáo viên phải đáp ứng yêu cầu về số lượng lẫn trình độ chuyên môn nên Ngành cũng đang có xu hướng liên kết giáo viên đào tạo nghề trong và ngoài nước”.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Nhiệm vụ và quyết tâm

Nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, là tổng hòa của các yếu tố: thể lực, trí lực và tâm lực của người lao động. Ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra rất nhanh chóng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vai trò của nguồn nhân lực vì thế càng được khẳng định rõ ràng. Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, vươn lên, theo kịp sự phát triển của thời đại, Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng cần phải có những chiến lược mang tính “tình hình”.

Ông Ân cho biết hiện Ngành đang đặc biệt quan tâm đến chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nghiệp. Thông qua công tác tích cực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cũng như huy động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Hướng đến tạo sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo – cơ quan quản lý Nhà nước – doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. “Và không thể lơ là CCTTHC trong việc tiếp nhận giải quyết kiến nghị, giải quyết thỏa đáng các nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có những thuận lợi, minh bạch trong công tác này mới là tiền đề cơ bản để thu hút các nhà đầu tư đến đây” – Ông ân nói.

Việt Nam ta đang ở trong giai đoạn dân số vàng, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất. Đồng nghĩa với việc nguồn nhân lực dồi dào về số lượng. Nhưng thực tế không phải tất cả những người đã qua đào tạo đều đáp ứng các công việc. Bởi nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ học vấn, nghề nghiệp mà chủ yếu ở chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao. Và trên thực tế việc sử dụng lao động vẫn còn bất hợp lý. Chế độ đãi ngộ “người tài” cũng chưa tương xứng; tình trạng thu nhập “cào bằng” đang là rào cản lớn cho sức sáng tạo của nhân lực chất lượng cao. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực nâng cao trình độ dân trí, tay nghề và chất lượng nguồn lao động ổn định đời sống của người lao động là những nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng quan tâm. Vì thế, không chỉ Sở LĐTB&XH mà chính quyền tỉnh cũng cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ công chức và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nghiệp; cũng như thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc đối tượng chuyển nghề, phụ nữ mất việc làm, lao động các xã đặc biệt khó khăn… có điều kiện tham gia học nghề. Tăng số lượng và hiệu quả đào tạo nghề theo yêu cầu sử dụng lao động của cả 3 trình độ là Cao đẳng, Trung cấp nghề và sơ cấp nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa của xã hội./.

Minh Kiệt