Bình Định

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định: Tăng cường tín dụng, thúc đẩy chyển dịch cơ cấu kinh tế

7:36 sáng | 29/08/2018

Đó là khẳng định của Ông Phan Phú Hải, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định, trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân. Theo đó, NHNN chi nhánh Bình Định ưu tiên nguồn vốn cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN), đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

 

Ông vui lòng chia sẻ câu chuyện thành công của ngân hàng nhà nước chi nhánh (NHNN) Bình Định trong nỗ lực hướng dòng vốn vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh cũng như chủ trương tăng cường vốn tín dụng cho các ngành lợi thế trong thời gian tới?

Tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên là vấn đề luôn được thảo luận tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng do NHNN chi nhánh Bình Định chủ trì.

Đầu năm 2017, NHNN chi nhánh Bình Định kêu gọi các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng an toàn, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi cũng đã trực tiếp tham gia đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp vướng mắc liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong năm 2017, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, các dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu cho DNVVN, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc ngành hàng đang khuyến khích tại địa phương.

Kết quả năm 2017, tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,7% so với cuối năm 2016, góp phần quan trọng giữ nhịp tăng trưởng tích cực cho kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định.

Đến cuối năm 2017, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 49.837 tỷ đồng, tăng 13,6%; tổng dư nợ là 61.033 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm, trong đó: dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 42,9% tổng dư nợ. Các ngân hàng đã nỗ lực cải thiện điều kiện tín dụng theo hướng thuận lợi về thủ tục, áp dụng lãi suất cả huy động và cho vay linh hoạt, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Về giải pháp tăng cường tín dụng cho các lĩnh vực lợi thế, NHNN chi nhánh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, khai thác nguồn vốn ngoài tỉnh, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo định hướng của NHNN Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tăng cường mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, triển khai Chỉ thị 07/CT-NHNN của NHNN về phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng và xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả như thế nào?

Năm 2017, ngành NH Bình Định đã triển khai thực hiện tốt 3 Chỉ thị: 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả; 02/CT-NHNN về bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu; 03/CT-NHNN về đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.

Các TCTD trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 và gửi về NHNN chi nhánh tỉnh để theo dõi và triển khai thực hiện, các ngân hàng đã chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn và hỗ trợ, đổi mới mô hình kinh doanh với quan điểm lấy khách hàng làm trung tâm, cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hoá thủ tục và đưa ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến kiểm soát chất lượng tín dụng. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2017 thấp hơn nhiều so với định hướng đề ra (0,65% so với định hướng là 3%/năm).

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh Bình Định đã hướng dẫn các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tiến hành tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu một cách minh bạch, hài hoà đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cải thiện chất lượng và mở rộng dịch vụ tín dụng.

Ngành ngân hàng Bình Định có giải pháp nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của ngành trong năm 2018 là gì?

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn mở rộng tín dụng, tập trung vốn vay cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Các TCTD cũng đưa ra những gói sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp nhất là DNVVN với mức lãi suất ưu đãi. Chúng tôi đã cắt giảm nhiều TTHC liên quan đến giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng, công bố thông tin liên quan công khai trên trang tin điện tử, thủ tục được tiến hành nhanh hơn thông qua công nghệ như Internet Banking, Mobile Banking…

Trong năm 2018, ngành NH Bình Định tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng cho vay đến khối DNVVN với các gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng này.  Các ngân hàng tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị về các chương trình tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tìm đến đúng các TCTD có khả năng tài trợ vốn vay theo đúng mục đích của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Những giải pháp mà ngành NH Bình Định đã và đang triển khai cho thấy ngành luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển.

Kết quả sau 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là như thế nào và đâu là tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng đối với công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế?

Từ tháng 7/2015-3/2018, ngành NH đã giải ngân cho vay tổng số tiền là 76.853 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 19.360 tỷ đồng, chiếm 31,45% trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh, với số lượng khách hàng còn dư nợ là 72.428 khách hàng. Dư nợ trung và dài hạn là 7.149 tỷ đồng, chiếm khoảng 37% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Hoạt động tín dụng tại Bình Định đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh với nhiều kết quả khả quan: sản lượng lương thực hàng năm đạt 700 ngàn tấn, kết cấu hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, hộ gia đình được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và duy trì ngành nghề truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nâng tỷ lệ người dân tiếp cận điện sinh hoạt lên 99,8%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%…

Ông có thể nói rõ hơn về nguyên tắc cẩn trọng trong công tác hỗ trợ vốn thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Định?

Nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên được hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu, chúng tôi phải xem xét cho vay dựa trên các tiêu chí: phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng trả nợ, tài chính minh bạch và lành mạnh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo tiền vay.

Đến cuối tháng 3/2018, 36/57 TCTD đã tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Định đóng vai trò chủ lực.

Trong 3 năm qua, chi nhánh đã thực hiện đúng các chỉ đạo của NHNN Việt Nam như: tập trung tín dụng cho các nhóm lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đúng các quy định về trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên; tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 3/2018 là 19.360 tỷ đồng với 72.428 khách hàng.

Cùng với các chi nhánh ngân hàng khác, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình về nhu cầu vốn trong nông nghiệp và nông thôn, tuyên truyền chính sách của chính phủ, hướng dẫn kỹ năng quản lý và sử dụng vốn vay, áp dụng các sản phẩm tín dụng và dịch vụ đa dạng hơn…

                                                                                                              Minh Kiệt – Bảo Châu