Tin nổi bật

Ngành Nông nghiệp Đồng Tháp: Củng cố mối lien kết sản xuất, đa dạng hóa loại hình hợp tác

1:47 sáng | 01/11/2019

Thay đổi tư duy từ “kỹ thuật nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” là một trong những bước đi của Đồng Tháp nhằm phát huy hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chia sẽ với Tạp chí VHDN về kết quả và nhiệm vụ trong công tác đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Anh Thy thực hiện.

Nông nghiệp sạch ở Đồng Tháp

Xin Ông cho biết một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp Đồng Tháp liên quan đến triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) của tỉnh?

Năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thuỷ sản đạt 41.326 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), giá trị tăng thêm đạt 16.191 tỷ Đồng (tăng 4,93% so với năm 2017). Con số này trong sáu tháng đầu năm 2019 là 16.599 tỷ đồng (tăng 1.022 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất hiệu quả một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt…

Mô hình “cây xoài nhà tôi”, “cây cam vườn tôi”, hay “mô hình HTX sản xuất lúa lý tưởng” đã giúp nông dân tiến tới sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và công nghệ cao đã được tỉnh triển khai rộng rãi như: công nghệ sinh học cấy mô trên cây kiểng, áp dụng tiêu chuẩn GAP trong ngành hàng cá tra; triển khai đồng bộ 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất; tiến hành cơ giới hoá trong sản xuất lúa…

Đặc biệt, mô hình “Hội quán” đã thú hút khoảng 4.076 thành viên với hơn 80 hội quán đã giúp thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân phát huy tính sáng tạo và tính tự quản cộng đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đa dạng hoá hình thức buôn bán truyền thống, các HTX, cá nhân đã áp dụng mô hình kinh doanh mới, trồng và bán qua mạng, lập trang web cho khách hàng tiềm hiểu sản phẩm (https://xoaicaolanh.com.vn và trang web http://nongsancaolanh.vn).

Về công tác TCCNN, năm 2018, chúng tôi đã thực hiện hiệu quả công tác chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp xuống còn 50,2% (giảm 0,96% so với 2017), năng suất lao động trong nông nghiệp tăng 9,97% năm 2018.

Với tính hiệu quả của mô hình Hội quán, tỉnh có giải pháp nào để nâng cao vai trò của mô hình này nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản?

Có thể nói mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các loại hình hợp tác, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng, nhà khoa học và doanh nghiệp triển khai mô hình nông nghiệp thông minh. Mô hình Hội quán đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng tại các tỉnh thành khác.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình Hội quán, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động trang web dongthapxanh.vn tạo thuận lợi cho các hội quán học hỏi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng nhãn hiệu hàng hoá và chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ; tổ chức các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hội quán; tổ chức các buổi toạ đàm và hội nghị trực tuyến nhằm nâng cao chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ mặt hàng nông – thuỷ sản…tạo điều kiện cho các hội quán tham gia xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; tăng cường kết nối bốn nhà trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên; hỗ trợ hội quán tiếp cận tín dụng, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi ngành hàng, tiếp cận công nghệ bảo quản chế biến nông sản.

Theo Ông, Đồng Tháp cần có những chính sách và cơ chế nào nhằm mở rộng mô hình sản xuất theo hướng liên kết hộ kinh tế với doanh nghiệp gắn với thị trường cũng như tiến tới sản xuất quy mô lớn?

Chúng tôi đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách như khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính Phủ, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết 138/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017.

Đây là cơ sở quan trọng để Đồng Tháp củng cố các mối liên kết sản xuất nông nghiệp, liên kết các HTX, doanh nghiệp theo các hình thức như hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng sản xuất hàng hoá tập trung…nhằm đẩy mạnh quá trình TCCNN và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện tại mức độ liên kết này vẫn còn nhiều hạn chế do chính sách còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết yêu cầu cấp thiết trong khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư hợp tác sản xuất mang tính bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ra soát đề xuất điều chỉnh các chính sách tập trung tích tụ đất đai, chính sách tín dụng phát triển các ngành hàng nông nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông nhận định như thế nào về công tác đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) trong năm 2019 của tỉnh Đồng Tháp?

Mục tiêu của công tác đánh giá bộ chỉ số DDCI là nhằm đánh giá năng lực điều hành của lãnh đạo Sở, ban, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế, tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí đều phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh như tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và tính ứng dụng công nghệ thông tin. 

Theo tôi, đây là chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực điều hành của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Thông qua việc đánh giá, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tạo động lực cạnh tranh, thi đua giữa các Sở, ban, ngành, địa phương nhằm cải thiện và nâng cao năng lực điều hành. Đồng thời có cơ sở để điều chỉnh các chính sách của địa phương, thực hiện công tác đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo. Chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội và cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.