Tin nổi bật

Phát triển du lịch Đắk Lắk: Cần cơ chế đặc thù

10:47 sáng | 21/03/2019

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Thái Hồng Hà chia sẽ với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân về định hướng phát triển du lịch cùng nỗ lực thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, Anh Thy thực hiện.

Đâu là định hướng đầu tư và phát triển du lịch của Đắk Lắk, thưa ông?

Hiện chúng tôi đang thực hiện đầu tư phát triển du lịch theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển bốn loại hình du lịch đặc thù gồm du lịch nghĩ dưỡng;du lịch kế hợp hội nghị, hội thảo, mua sắm và giải trí; du lịch văn hoá-lịch sử; du lịch sinh thái-làng nghề. Hiện công tác đầu tư khai thác các loại hình du lịch này cũng đang được các doanh nghiệp chú trọng.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên công tác đầu tư và phát triển các địa điểm du lịch, sản phẩm đặc thù còn khó khăn, chủ yếu là hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ).

Hạ tầng, nhân lực, cảnh quan, môi trường du lịch…có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, Đắk Lắk đã chú trọng đầu tư những vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi xác định nhân lực, môi trường, cảnh quan, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh luôn chú trọng đặc biệt đến các yếu tố này.

Cụ thể, về nhân lực: chúng tôi, trên cơ sở hàng năm, đều tổ chức các lớp đào tạo. Năm 2018, chúng tôi tổ chức 09 lớp tập huấn, thu hút 491 học viên. Ngoài ra, Sở phối hợp với Tổng cục du lịch đăng cai địa điểm tổ chức khoá tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý du lịch cho cán bộ quản lý, cử cán bộ chuyên môn tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Du lịch tổ chức.

Về hạ tầng, hiện hạ tầng kết nối các khu, địa điểm du lịch với các nước tiểu vùng Mekong mở rộng vẫn còn yếu nên tỉnh chưa thể khai thác hết thế mạnh của mình. Nhận thức được việc này, chúng tôi đã nỗ lực thu hút đầu tư tập trung vào phát triển hạ tầng nhằm kết nối các khu và địa điểm du lịch. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng cơ sở vật chất khác cũng đã được quy hoạch và sẽ đầu tư trong thời gian tới.

Về môi trường, chúng tôi đã tập trung nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động như kinh doanh du lịch, lễ hội, quản lý di tích…Ngoài ra, chúng tôi phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức dựa trên các sự kiện như ngày môi trường thế giới (5/6), tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4)…

Đâu là sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk? Để phát triển du lịch bền vững, tỉnh cần khắc phục những khó khăn nào?

Hiện chúng tôi tập trung phát triển 03 sản phẩm chính: di sản thế giới, cà phê, voi. Về phát triển du lịch bền vững, tỉnh hiện đang chú trọng sáu vấn đề chính:

Thứ nhất,nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hình ảnh du lịch Đắk Lắk.

Thứ hai, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, định hướng doanh nghiệp khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.

Thứ ba, đa dạng hoá sản phẩm du lịch (sinh thái, văn hoá, vui chơi giải trí, MICE, làng nghề truyền thống…), kết nối các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nhân viên ngành du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; bồi dưỡng kiến thức cho đồng bào và nhân dân ở các khu, địa điểm du lịch…

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch; tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Đắk Lắk; tổ chức xúc tiến du lịch gắn với các lễ hội và sự kiện văn hoá, thể thao, hội nghị…

Thứ sáu, đề xuất chính phủ xem xét và ban hành cơ chế đặc thù đối với khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng để huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo điểm nhấn, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển du lịch.

Tỉnh có chủ trương như thế nào nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư du lịch, đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí, phát triển cơ sở lưu trú du lịch?

Theo Quyết định số 2675/QĐ-UBND ban hành ngày 19/10/2018 về danh mục dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2018 và định hướng đến năm 2020, tỉnh tập trung phát triển 7 dự án du lịch.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã huy động vốn đầu tư du lịch từ nhiều nguồn như ngân sách trung ương và địa phương, vốn tín dụng, vốn liên doanh và thông qua chính sách khuyến khích đầu tư.

Ngoài ra, thông qua các Nghị quyết của Trung ương, HĐNN và UBND tỉnh Đắk Lắk về phát triển du lịch, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã thu hút 26 dự án du lịch với vốn đầu tư khoảng 3.860 tỷ Đồng. Trong đó, 12 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng và 9 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư.

Định hướng chung của du lịch Tây Nguyên là: đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng thu hút khách du lịch. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh cần đề ra các biện pháp: điều tra, đánh giá chính xác hiện trạng về tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nhằm phát hiện các tài nguyên chưa được khai thác, những tồn tại, những bất cập của hệ thống và đề ra hướng khắc phục. Đầu tư cho loại hình vui chơi giải trí; quy hoạch làng văn hóa dân tộc, có chính sách quảng bá các lễ hội truyền thống. Tuy vậy, nhìn chung sản phẩm du lịch của Tây Nguyên còn đơn điệu thậm chí còn trùng lặp trong một vùng miền. Chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, việc khai thác còn khép kín, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đáng lưu ý là việc kết hợp sản phẩm và thị trường chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có các sản phẩm nổi bật, đặc trưng để thu hút khách, tạo ấn tượng mạnh kích thích du khách quay lại du lịch.

PV