Quảng Nam

Quảng Nam: Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

8:14 sáng | 10/01/2019

Với lợi thế diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn, hệ sinh thái đa dạng, Quảng Nam luôn chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi gắn với xây dựng thương hiệu riêng. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mô hình sản xuất CNC hiệu quả

Từ năm 2000, Quảng Nam đã tiến hành ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt. Cụ thể, tỉnh đã ứng dụng CNC vào khâu sản xuất hạt giống F1 lúa và ngô. Quảng Nam là một trong những địa phương đi trước và ứng dụng thành công. Kết quả thu được là rất khả quan khi hiệu quả sản xuất tăng lên rất nhiều lần (30-50%).

Trong hoạt động sản xuất rau, hoa, tỉnh đã thu hút được Tập đoàn Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh với thiết bị và hạ tầng nông nghiệp được chuyển giao 100% từ nước ngoài như: công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel). Một số mô hình trồng hoa, rau thành công có thể kể đến như: mô hình sản xuất hoa lyli, hoa lan cắt cành, cúc, hồng; mô hình ứng dụng CNC trong nhà lưới để sản xuất rau quả theo chuỗi. Việc ứng dụng CNC đã giúp tăng thu nhập đáng kể cho hộ nông dân.

Trong lĩnh vực sản xuất cây giống, tỉnh đã tiếp nhận và nghiên cứu công nghệ nuôi cấy mô tế bào, sản xuất thành công giống nuôi cấy mô trên các loại cây như keo lai, sa nhân, chuối, hoa lan…Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng núi và trung du.

Về chăn nuôi, nhiều dự án chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến, CNC và công nghệ sinh học như hệ thống làm lạnh, hệ thống máng ăn-uống tự động, chăn nuôi trên nền đệm lót tự động, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải…Nỗ lực trên đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn.

Về thuỷ sản: Quảng Nam đã chủ động ứng dụng CNC vào hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Chẳng hạn, việc ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ  qua  4 năm (2013 – 2016) đã giúp tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95%, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tổn thất sau thụ hoạch. Ngoài ra, việc ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu khai thác hải sản xa bờ trong 2 năm (2017 – 2018) đã giúp giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiệm kinh phí, tăng sản lượng khai thác, giảm phát thải khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm giúp tàu vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác, tăng thời gian bám biển nhằm tăng sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp CNC

Trong thời gian tới, Quảng Nam hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phá triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ để tăng chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của nông sản truyền thống theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang các loại nông sản tiềm năng, hướng tới xuất khẩu.

Hiện tỉnh đang khảo sát, lựa chọn một số vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC; thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện của địa phương.

Theo định hướng quy hoạch của tỉnh, Quảng Nam sẽ hình thành 01 khu sản xuất giống thuỷ sản CNC (20ha) và vùng nuôi thuỷ sản thâm canh CNC (180ha); phát triển 3 khu nông nghiệp CNC và 7 vùng sản xuất nông nghiệp CNC; thành lập 4 khu chế biến lâm sản và 2 vùng sản xuất giống và trồng dược liệu.

Tỉnh cũng đã xác định vùng Đông là khu vực phục vụ phát triển vùng nông nghiệp CNC. Để phục vụ phát triển nông nghiệp, tỉnh dự kiến phát triển một số dự án cấp nước tưới cho cây trồng, nâng cấp kênh N22 Bắc Phú Ninh; xây dựng mới công trình gồm tuyến đường ống Composite đường kính (800 ÷ 1000)mm; dài 6,0km; 01 Xi phông qua sông Trường Giang; 02 trạm bơm điện; cấp nước cho 300ha khu vực Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Sa; 02 bể thu nước; 01 bể tại khu vực Bình Dương – Duy Nghĩa, 01 bể tại khu vực Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Sa; 03 bể xả: 02 bể tại khu vực Bình Dương – Duy Nghĩa và 01 bể để hỗ trợ nguồn nước chống hạn cho sản xuất nông nghiệp xã Bình Dương; 01 bể tại khu vực Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Sa…

Ngoài ra, dự án hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và khu chăn nuôi tập trung Na Sơn – Đông Bình, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức, cũng nằm trong kế hoạch dự  kiến của tỉnh.

Bảo Quân Châu