Tin nổi bật

Sở Công thương Đồng Tháp: Tích cực hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp

1:56 sáng | 01/11/2019

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua ngành Công Thương Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất ổn định, nguồn hàng đảm bảo số lượng và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường đặt biệt là xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường, đầu tư, ngân hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

Đáng chú ý là ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, chủ động ứng phó với các rào cản về thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Thu hoạch cá tra

Xác định công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất và tiêu thụ là bước quan trọng để doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường do vậy mà một số chương trình trọng tâm được ngành quyết liệt triển khai thực như: Triển khai chương trình “hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến” (thẩm định xét duyệt 19 đề án); hỗ trợ các Doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) xây dựng quảng bá nhãn hiệu, thông tin thị trường, xây dựng các điểm giới thiệu trưng bày sản phẩm, điểm bán hàng thực phẩm an toàn năm 2019 (đợt 01: 15 đơn vị); Tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề; hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế; hội nghị triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tham mưu sửa đổi, bổ sung quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương; tham gia thí điểm chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo Đề án thí điểm (giai đoạn 3).

Bên cạnh đó, Sở tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACCP, TQM, BVQI, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000 v.v. thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp; đồng thời, tìm kiếm hỗ trợ thông tin, xây dựng chương trình hợp tác liên doanh, liên kết với các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và phát triển tốt, trong đó ngành công nghiệp chế biến vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng ước đạt 29.740 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,92% so với cùng kỳ và đạt 47,89% kế hoạch.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sự tăng trưởng, đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong đó sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 25,55%; các sản phẩm còn lại tuy cũng có sự tăng trưởng nhưng mức tăng không cao: Sản phẩm may mặc tăng 8,11%; Thức ăn chăn nuôi tăng 6,39%; Miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 3,18%.

Xuất khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng gạo xuất khẩu do Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu, mặt khác nhu cầu nhập khẩu từ thị trường châu Phi suy yếu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 528 triệu USD (không tính xăng dầu tạm nhập, tái xuất), tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 42,24% kế hoạch. Trong đó, ngoài mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu giảm (so với cùng kỳ giảm 35,84%); Các mặt hàng còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể: Sản phẩm ngành may tăng 141%; Bánh phồng, bánh kẹo, ngũ cốc tăng 17,3%; Thủy sản chế biến tăng 0,03%; và hàng hóa khác tăng 93,76% so cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, trái Xoài của Đồng Tháp lần đầu tiên được tham gia vào lô xoài đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa ra thế giới, đồng thời khẳng định sự tiến bộ trong sản xuất trái cây và hội nhập quốc tế của nông dân Đồng Tháp.

Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức hành vi sản xuất và kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu./.