Tin nổi bật

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai : Phát huy tiềm lực kinh tế khu vực nông thôn

8:01 sáng | 17/07/2020

Kỳ Văn hóa Doanh nhân có buổi phỏng vấn Ông Trần Lâm Sinh – PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai về kết quả triển khai tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Trọng Nguyên thực hiện.

Xin ông cho biết một số kết quả khởi sắc của Đồng Nai trong công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới?

Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn là mục tiêu cốt lõi. Đồng Nai là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giai đoạn 2015-2019, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình 3,9%/năm, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 55,61 triệu đồng/người/năm (2018), giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản/ha đạt 234 triệu đồng (2019), tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 38,06% lên 53,51%, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 54,82% xuống 43,52%.

Hiện tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 56%, kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hoá đường huyện, thôn, xóm, đường trục nội đồng được cứng hoá 100%. Tỉnh cũng đã đầu tư các công trình thuỷ lợi (28 công trình được xây mới giai đoạn 2010-2019), hệ thống điện nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Nhiều hình thức sản xuất đạt hiệu quả cao, số lượng HTX nông nghiệp được nâng lên (154 HTX), 3.064 trang trại, chiếm 28,3% tỷ trọng GRDP của ngành, 129 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, 113 chuỗi liên kết đã được các bên tham gia chủ động thực hiện với 65 doanh nghiệp…

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 80% diện tích đất SXNN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 573,456 ha; 100% diện tích trồng mới và tái canh sử dụng giống mới chất lượng cao, 18 sản phẩm cây trồng được cấp nhãn hiệu hàng hoá…

Có thể khẳng định rằng công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã góp phần quan trọng trong việc phát huy tiềm lực kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người nông dân tại Đồng Nai.

Xin ông cho biết thêm về công tác đầu tư, phát triển các nông sản chủ lực của Đồng Nai?

Hiện nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm có hồ tiêu, cà phê, điều, cao su, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, chuối và rau; nhóm đặc sản địa phương gồm bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh, sầu riêng Xuân Định và Phú An, xoài Suối Lớn và Phú Lý, hồ tiêu Lâm San, bơ Xuân Bảo, mãng cầu na hạt lép Định Quán; vật nuôi gồm heo và gà; thủy sản: cá nước ngọt và tôm.

Hiện chúng tôi tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển sản phẩm chủ lực OCOP, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hoá, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về trồng trọt, hiện tỉnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn và tạo giống, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xây dựng cánh đồng lớn, sự dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, tăng cường cơ giới hoá và tự động hoá, xây dựng vườn kết hợp du lịch sinh thái.

Về chăn nuôi, chúng tôi phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, sử dụng giải pháp sinh học và cơ học trong xử lý nước thải.

Về thuỷ sản, sử dụng quy trình công nghệ cao trong nuôi thâm canh, tự động kiểm soát môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng kết nối SXNN với các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm và công nghiệp chế biến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị và nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng Nai chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến như thế nào, thưa ông?

Về trồng trọt, năm 2016, chúng tôi phối hợp với các viện nghiên cứu thẩm định, công nhận cây đầu dòng (mãng cầu na, bơ, sầu riêng và điều) và vườn cây đầu dòng (sầu riêng DONA, ca cao, điều). Năm 2017, hợp tác với Viện Nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam (tỉnh Gyoungsangnam, Hàn Quốc) chọn giống dưa (dưa lưới, dưa lê) thích hợp điều kiện Đồng Nai từ nguồn vật liệu của Viện. Hiện nay, ngành đang phối hợp địa phương xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng mía, lúa, cao su hiệu quả thấp sang những cây trồng hiệu quả cao. 

Hiện tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuẩn GAP, UTZ, 4C; 100% diện tích cây trồng sử dụng giống mới, giống chất lượng; tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất trồng trọt đạt khoảng 84%; hơn 58.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm…

Chăn nuôi, thuỷ sản, hiện 80% tổng đàn heo và 90% tổng đàn gà chăn nuôi trang trại có quy mô công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi đang phối hợp với Hội Công nghệ cao Tp.HCM xây dựng dự án về quản lý trang trại chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật.

Về lâm nghiệp, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng dự án “Thiết lập cơ sở dữ liệu để quản lý, theo dõi các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” nhằm tạo công cụ hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước cho Chi cục Kiểm lâm.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ tập trung vào những trọng tâm nào?

Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ…giúp nông sản tận dụng các cơ hội.

Ngoài ra, tỉnh nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng nông sản, phát triển các giống nhiều ưu điểm, áp dụng quy trình tiến bộ, an toàn và hiệu quả; hiện đại hóa, tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp, từ đó hình thành các HTX, vùng sản xuất lớn; tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng học hỏi, đưa ra các giải pháp phát triển kinh doanh.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các lĩnh vực, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp như thủy lợi, giao thông nội đồng, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản…nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững; ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, đảm bảo ATVSTP và truy xuất nguồn gốc; kịp thời cung cấp thông tin thị trường nông sản trong nước và thế giới, đặc biệt là các thông tin có tính chất định hướng sản xuất, cảnh báo cung cầu mặt hàng nông sản, để hạn chế rủi ro cao cho người nông dân.