Quảng Nam

Thành phố Hội An: Tính cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản

7:59 sáng | 10/01/2019

Nhiều chuyên gia thế giới nhận định rằng sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Bởi nơi đây được xem là “bảo tàng sống” về kiến trúc và lối sống đô thị chuẩn mực của một TP văn hóa, TP sinh thái, TP du lịch; không chỉ là niềm tự hào cho hơn 92 nghìn hộ dân nơi đây mà còn là “điểm nhấn” ấn tượng của ngành du lịch nước nhà.

  Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An

Ấn tượng

Ngày 29/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2008/NĐ-CP về việc thành lập TP.Hội An. Đây là “mốc son” đáng nhớ, mở ra thời đại xây dựng đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch phát triển nhanh, bền vững, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Điều đáng kể là Hội An còn mang nhiều lợi thế lớn, khi nằm gần sân bay Chu Lai của Quảng Nam và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; TP còn được vinh dự nằm trên “Con đường di sản văn hóa miền Trung” (gồm Hội An, Mỹ Sơn và Huế) – Điều này đã góp phần tạo nên một ngành du lịch đầy tiềm năng phát triển cho Hội An.

Có thể nói hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An; với hơn 1,3 nghìn di tích, trong đó có hơn 1,2 nghìn di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng – miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng và đều góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của đô thị cổ Hội An. Như ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ “Hội An chính là hình mẫu lý tưởng của xu hướng phát triển “phố trong làng”, “làng trong phố”. Là nơi hội tụ những giá trị hiện đại, cổ xưa xen lẫn vào nhau nhưng không kém phần đặc sắc, chuyên biệt mang dấu ấn riêng. Mỗi người dân nơi đây vẫn tự hào “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”.

Nhiều năm qua, TP nhận được nhiều khen ngợi của du khách trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt vừa qua, Hội An được ca ngợi là phố cổ “đẹp như một bức tranh hoàn hảo cuối thế kỷ 19”, là một trong 10 điểm đến ở Đông Nam Á được Unesco công nhận mang giá trị văn hóa và lịch sử, lọt TOP 37 thành phố trên thế giới vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh giai đoạn 2017-2018 (do WWF tổ chức), lọt vào top 25 bãi biển đẹp nhất thế giới với đại diện bãi biển An Bàng… Hội An đã và đang cố gắng xác lập vị thế là một trong những trung tâm du lịch, một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho du khách muôn phương. Tự hào mà nói thành công hôm nay chính là bài học về sức mạnh nội sinh, về ý chí tự lực tự cường, về tinh thần đoàn kết, quyết tâm tôn tạo các giá trị của di sản văn hóa, tập trung đưa du lịch- dịch vụ- thương mại trở thành một ngành chủ đạo của cả một cộng đồng.

Để là “điểm đến xanh”

Như ông Dũng chia sẻ để quản lý 4,5 triệu du khách và người dân, đồng thời định hướng phát triển TP theo hướng xanh – sạch – đẹp không phải là dễ dàng. Bởi thế trong từng công cuộc phát triển, chính quyền chưa bao giờ nới lỏng vai trò của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản tại địa phương. Không chỉ có thế, TP cũng đã và đang chú trọng vào công tác xã hội hóa nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng để mọi tầng lớp nhân dân, du khách, doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng nhau chăm sóc, nâng niu và nâng cao hơn nữa chất lượng của phố cổ Hội An.

Đồng thời, nhằm giảm mật độ khách đến đây, ông Dũng cũng không ngần ngại chia sẻ TP đang có phương hướng phục vụ điểm tham quan bên ngoài để kéo dãn khách, với các điểm đến ấn tượng như làng gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, làng tre dừa nước Cẩm Thanh (thu về 15-20 tỷ đồng tiền bán vé mỗi năm)… Hình thành thêm nhiều điểm tham quan kết hợp tổ chức nhiều show diễn đặc sắc như tắm tượng Hội An, show diễn dân tộc… Quy hoạch các bãi đỗ xe từ bên ngoài gắn với các điểm du lịch tránh ách tắc giao thông trong nội ô, giảm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường (du khách có thể di chuyển đến điểm du lịch bằng xe điện, xe đạp). Đi liền với hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, đô thị, khu dân cư, khu thương mại… ở ngoại ô TP. Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp tuyến đường huyết mạch từ phố cổ tới các điểm du lịch tại Hội An, TP cũng đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách thông qua những sự kiện lớn độc đáo như “Đêm phố cổ”, ” Đêm Cù Lao Chàm”… Hiện Hội An cũng đang hướng đến xây dựng TP thông minh, bằng việc tập trung đầu tư camera thông minh, cũng như cung cấp phần mềm kết nối, cung cấp thông tin, an ninh tại mọi địa bàn cho du khách. Đây được xem là “chất xúc tác” hữu hiệu giữ chân khách du lịch tới Hội An nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí phát triển xanh- sạch – đẹp.

 “Vẻ đẹp không trùng lặp” của phố cổ Hội An độc đáo ở chỗ dung hòa những cái điển hình trong sự đa thể, chứa đựng trong sự phong phú các kiểu dáng kiến trúc, đồng thời còn được tô điểm ở sự kết dính hoàn hảo từng di tích với nhau. Trong đó, các yếu tố văn hóa được gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương… đã trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng nhất trong quá trình phát triển của TP, làm cho Hội An có những bước đi vững chắc, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. “Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những doanh nghiệp, du khách và nhà đầu tư đã tin tưởng lựa chọn nơi đây là điểm đến du lịch và khai thác kinh tế. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, để những tiềm năng phát triển du lịch Hội An được khai thác đúng cách TP rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt yếu tố “cộng đồng” trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản dân tộc đặc trưng của vùng, để tự tin đưa “bảo tàng sống” đậm chất Việt Nam đến gần hơn bạn bè quốc tế” – Ông Dũng nhấn mạnh./.

                                                                             Võ Minh Quân