Cà Mau

UBND Huyện Đầm Dơi: Tạo sức bật mới từ cốt cách anh hùng

2:10 sáng | 24/12/2017

Là vùng đất anh hùng, với những con người trung dũng, kiên cường – Huyện Đầm Dơi mang trong mình nhiều lợi thế để vươn mình lớn mạnh. Những thành công huyện đạt được hôm nay cũng chính là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh; đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. Để hiểu thêm công cuộc này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Chí Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi.

Ông Nguyễn Chí Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi

                        Ông Nguyễn Chí Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi

Ông có thể chia sẻ những yếu tố cơ bản cùng giá trị cốt lõi tạo nên những thành tựu của huyện Đầm Dơi trong 33 năm qua (1984-2017)?

Một sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân trên địa bàn chính là thời khắc huyện được mang tên “Đầm Dơi”. Phải nói, lúc đó điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng địa phương còn thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng đến hôm nay, tổng sản phẩm trong huyện đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,75 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế địa phương phát triển theo hướng Ngư – nông – lâm nghiệp (đạt 53,75%); Công nghiệp – xây dựng đạt 21,7%; dịch vụ đạt 24,55%. Với tổng lượng thủy sản đạt 103,5 nghìn tấn (trong đó, sản lượng tôm đạt 49,5 nghìn tấn). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% trở lên. Cùng 2 xã đạt chuẩn NTM (xã Tạ An Khương Nam và xã Tân Dân). Hiện, địa phương cũng luôn hướng đến hoàn thành tiêu chí tạo công ăn việc làm mới hàng năm cho 5 nghìn lao động.

Đâu là những điểm mấu chốt để Đầm Dơi thực hiện thành công tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Nông nghiệp – thủy sản, Công nghiệp – xây dựng và dịch vụ?

Những ngày đầu, Đầm Dơi mang trên mình nhiều “vết thương” sau chiến tranh để lại. Diện tích sản xuất toàn huyện khoảng 10.000ha đất trồng lúa, bị nhiễm phèn mặn, năng suất bấp bênh, nhiều hộ nông dân thiếu gạo ăn, đời sống khó khăn. Đến năm 1994, địa phương đã mạnh dạng chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa các xã phía Đông (29 nghìn ha) sang nuôi tôm; đến đầu năm 2001 chuyển toàn bộ diện tích các xã phía Tây (23 nghìn ha) sang nuôi trồng thủy sản. Tự hào mà nói đây chính là quyết định sáng suốt và mang tính kịp thời của địa phương. Nhờ vậy Đầm Dơi đã trở thành huyện trọng điểm của tỉnh Cà Mau về nuôi trồng thủy sản. Hiện địa phương đã có hơn 2,7 nghìn ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, diện tích thả giống chiếm 60%, diện tích nuôi tôm thâm canh năng suất cao 112ha, với 156 hộ, năng suất đạt từ 40-50 tấn/ha, tỷ lệ thành công trên 80%, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 36.000ha. Song song với đó, huyện Ðầm Dơi cũng đang tích cực huy động tối đa sự hỗ trợ của cấp trên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp… phát huy lợi thế, tiềm năng lực lượng lao động, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để tạo ra những mô hình nuôi mới, đột phá, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển 6 nghìn ha đất nuôi tôm công nghiệp đến năm 2020.

Không chỉ có vậy, ngành Công nghiệp – Xây dựng và dịch vụ cũng phát triển khá mạnh mẽ. Toàn huyện có hơn 2,6 nghìn cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; doanh số mua bán hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Cùng hơn 2,4 nghìn hộ kinh doanh, vốn kinh doanh là 829 tỷ đồng. Các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, xây dựng, tổ hợp tác tiếp tục phát triển, tạo nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Vấn đề về hệ thống kết cấu hạ tầng đã được Đầm Dơi quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư ra sao?

Hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện, hạ tầng đô thị, nông thôn… luôn được địa phương đặc biệt chú trọng. Với các tuyến đường giao thông quan trọng đến trung tâm huyện, đường liên huyện, đường đến trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đầu năm 2016 đã thông xe cầu Hòa Trung, từng bước bê tông hóa, nhựa hóa đường GTNT…Xây dựng hệ thống lưới điện theo quy hoạch, đảm bảo điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chú ý phát triển lưới điện phục vụ các vùng nuôi tôm công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc Khmer, nâng sản lượng thương phẩm trên từng hộ dân là 3,74 triệu KWh. Không chỉ thế, huyện cũng đã đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Đầm Dơi đạt tiêu chuẩn chợ loại I; nâng cấp các chợ Vàm Đầm, Chà Là, Cái Keo lên đạt tiêu chuẩn chợ loại II…Phấn đấu đến năm 2020 có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Cũng như tiếp tục đầu tư xây dựng trường học, Trung tâm y tế huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao…

Tiếp nối những thành công trên, thì đâu là định hướng của huyện trong nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017 và những năm tiếp theo?

CCTTHC chính là một trong những khâu đột phá trong tiến trình phát triển nền kinh tế hiện đại, toàn diện của Đầm Dơi hiện nay. Đi liền với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát trển bền vững huyện Đầm Dơi đến năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã được phân bổ vốn đầu tư, đảm bảo hoàn thành khối lượng và giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2017. Đặc biệt là cập nhật và thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn; quan tâm chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo…

Đâu là mục tiêu quốc gia của Đầm Dơi trong công tác xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020?

Xây dựng NTM là chương trình MTQG, có vai trò quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Bởi vậy, với Chỉ thị và Nghị quyết chuyên đề của chính quyền địa phương và cả nước về công tác này đã được Ngành tích cực thực thi. Với bộ máy thực hiện chương trình từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Kích thích, khơi dậy và phát triển nguồn nhân lực trong nhân dân, lấy tinh thần thi đua là phương châm chủ đạo. Không những thế, huyện cũng đã xác định việc lồng ghép và huy động các nguồn lực kinh phí; kết hợp cùng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp xã… là nhu cầu cấp thiết. Hy vọng với quyết tâm cùng mục tiêu rõ ràng, đến năm 2020, Đầm Dơi sẽ có 06 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành 273 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 18,2 tiêu chí. Huyện cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ đầu tư từ các nhà doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, để cùng nhân dân Đầm Dơi phát triển về kinh tế, nâng cao lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt chủ trương “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Xin cảm ơn ông!