Quảng Ninh

Ứng dụng mạng lưới kết nối internet trong nông nghiệp công nghệ cao

9:47 sáng | 29/11/2017

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị lần thứ 2 – Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IOCV) ‘Ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao’.

Sự kiện có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, công nghệ thông tin, thương mại và dịch vụ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ nano….

Việc ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối Internet đang trở thành công nghệ có xu hướng ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống con người, tác động rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trong tương lai và là xu thế tất yếu của thế giới.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt việc ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) trong nông nghiệp công nghệ cao.

Việc cộng đồng IOCV hoạt động sôi nổi vừa qua với việc hợp tác thành công các giải pháp kĩ thuật do các công ty Việt Nam xây dựng vào mô hình mẫu nông nghiệp nghệ cao tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Delco đã mở ra một cách làm hoàn toàn mới, giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành.

Công ty CP Wala trực thuộc VNPT Technology là 1 trong các đơn vị tham gia ứng dụng demo trang trại thông minh Delco do Cộng đồng mở IoT Việt Nam (IOCV) phát triển. Trang trại thông minh Delco ứng dụng Internet of Things (IoT) để tự động hóa hoàn toàn công việc quản lý, theo dõi, vận hành toàn bộ quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Trước đây khi chưa ứng dụng IoT, công ty cần khoảng từ 20-30 nhân công để quản lý, chăm sóc trang trại. Sau khi ứng dụng IoT, công ty chỉ cần 5 nhân công.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Wala, VNPT Technology cho hay, công ty đang ứng dụng IoT trong trồng dưa lưới, trồng thủy canh và trong trang trại gà. Công ty có những cảm biến (sensor) để giám sát và có những chương trình điều khiển tự động để đưa ra các lệnh tự động, giảm sức lao động của con người và tăng độ chính xác lên cao hơn, từ đó đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cộng đồng mở IoT Việt Nam (IOCV) được Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng từ tháng 3 năm 2017. Cộng đồng gồm 21 công ty công nghệ, nhằm xây dựng giải pháp phần mềm IoT ứng dụng cụ thể cho từng mô hình sản xuất nông nghiệp.

Một số giải pháp đang được IOCV cung cấp cho các hộ sản xuất là: trang trại thông minh, cổng kết nối tự động hóa, thiết bị quản lý nông nghiệp chính xác… Các giải pháp này đều có thể ứng dụng trên quy mô nhỏ với số vốn ban đầu chỉ từ 20-200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cho hay, có những nơi được thử nghiệm thì chỉ cần diện tích khoảng 600 m2. “Cái chúng tôi mong muốn là đưa được các giải pháp phù hợp với quy mô hộ nông dân, chỉ cần diện tích vài nghìn m2 là có thể triển khai được, với giá cả mà người nông dân có thể chấp nhận và đầu tư được”.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang kinh tế số và hội nhập với cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng IoT là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thế mạnh của Việt nam là nông nghiệp. Việt Nam nên học hỏi các mô hình IoT tại Mỹ, Isreal để tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn.

Theo ông Đào Văn Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian vừa qua cơ bản đã có những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới cần có những phát triển hơn nữa, đặc biệt đưa vào sản xuất những thiết bị, máy móc thông minh hơn, tự động hóa cao hơn, giúp cho người dân có thể có sản phẩm mới chất lượng hơn.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế hiện nay các giải pháp của IOCV chưa được ứng dụng rộng rãi mà mới đang được sử dụng trên diện tích khoảng 70.000 m2.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để nâng cao diện tích ứng dụng, cần tăng cường liên kết giữa nhà cung cấp công nghệ với các hộ nông dân. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng IoT trong nông nghiệp…/.

                                                                                                                                         PV