Tin tức VCCI

Vi phạm về môi trường: Doanh nghiệp cần chú ý để tránh vòng lao lý

3:49 sáng | 25/08/2017
Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững – khu vực miền Trung do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, đặc biệt trong đó là vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp tới các thành quả phát triển.”

Ông Hoàng Văn Thức mong muốn hội nghị sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với cộng đồng DN.

Tại hội nghị, các DN cũng như các nhà quản lý đã bày tỏ quan điểm, các giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn bất cập về chính sách pháp luật trong các lĩnh vực TNMT nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Trong phiên tọa đàm về các thủ tục bảo vệ môi trường trước khi vận hành dự án, một doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Quy định của luật về đánh giá tác động môi trường hiện nay còn gây khó cho DN khi không cho làm đánh giá tác động môi trường bổ sung mỗi khi DN có sự thay đổi mà bắt buộc phải làm mới hoàn toàn.

Công việc này rất tốn kém (khoảng vài trăm triệu cho một đánh giá tác động môi trường). “Như chúng tôi bắt đầu làm từ 2009, xây dựng một đánh giá tác động môi trường. Đến năm 2014 mở rộng thì đánh giá tác động môi trường lúc này không còn phù hợp. Quy định là đánh giá tác động môi trường không được bổ sung, phải làm mới, và đến năm 2016 có sự thay đổi, chúng tôi lại phải làm mới lần 3, tại sao không cho bổ sung để được chi tiết và đỡ tốn kém?” – đại diện DN đặt câu hỏi

Trả lời vấn đề này, ông Cù Hoài Nam – Trưởng phòng quản lý môi trường, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho biết: “Trong Luật Môi trường cũ có quy định về bổ sung đánh giá tác động môi trường, nhưng Luật mới năm 2014 hiện hành đã  bãi bỏ quy định này do tồn tại vấn đề, các đánh giá tác động môi trường bổ sung quá sơ sài, không đảm bảo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ ghi nhận ý kiến này của doanh nghiệp”.

Các đại biểu còn cho biết đa số các chuyên gia thực hiện công tác đánh giá chưa thực sự hiểu biết chuyên sâu và không có kinh nghiệm thực tiễn…Do vậy cần xem xét kỹ về năng lực thẩm định trong đánh giá tác động môi trường của các chuyên gia. 

Ông Phạm Văn Du – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Duy Sơn (tỉnh Quảng Nam) lại nêu thắc mắc tại địa phương, vì sao chỉ thủ tục xin cấp phép lò giết mổ gia súc, gia cầm mà mất đến 6, 7 năm vẫn chưa được cấp phép?…

Một số vấn đề khác được nêu ra như xả thải ra môi trường, các quy định xung quanh về xả thải như thế nào là nằm trong sự cho phép của luật; khó khăn của DN về tài chính và chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại…

Trước các ý kiến của DN, ông Hoàng Văn Thức đưa ra khuyến nghị đến DN: “Sắp tới, bắt đầu từ 1/1/2018, khi quy định định về lượng vi phạm môi trường đã được Quốc hội đưa vào Bộ luật Hình sự có hiệu lực, các DN phải chú ý hành xử của DN mình đối với môi trường để tránh vướng vào lao lý. Ví dụ: các DN có lượng xả nước thải 100m3/ngày đêm và có các thông số vượt quy chuẩn được phép từ 5 lần trở lên có thể bị phạt tù từ 3-5 năm; rồi quy định về lượng khí thải …”.

Tương tự, lượng chất thải cũng được định lượng cụ thể trong Luật. Khi DN vi phạm quy định này thì lúc đó sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự – ông Thức nhấn mạnh.

Theo vcci.com.vn