Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Mặc dù vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của tập thể lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực cao độ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Sau đây 10 thành tựu nổi bật tiêu biểu của Hải Phòng năm 2021.
1. Dẫn đầu Top 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước
Hải Phòng vươn lên dẫn đầu top 10 tỉnh thành hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn cho kế hoạch năm 2022 mục tiêu thu hút tối thiểu 5 tỉ USD. Trong đó, Khu kinh tế Hải Phòng tập trung chuẩn bị xây dựng các khu công nghiệp mới, chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước hết, tập trung cho các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập để giải phóng mặt bằng, trong đó có giải phóng mặt bằng cho KCN Deep C3, các khu công nghiệp như VSIP, An Dương, mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 để đủ quỹ đất, tạo ra thu hút đầu tư…
Biểu đồ thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 (Nguồn từ Bộ KH và ĐT).
2. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38% là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Nút giao thông cầu Bính, tuyến đường giúp Hải Phòng hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị theo trục Bắc – Nam, liên kết trục vành đai 2 với trung tâm thành phố.
3. Đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại
Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Phê duyệt 08 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2021.
Cải tạo hè 6 tuyến đường trung tâm thành phố; Thành lập Ban Chỉ đạo quản lý, chỉnh trang đô thị thành phố giai đoạn 2021-2025; Ra mắt Mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; Bố trí sắp xếp cho trên 500 hộ dân về chung cư HH4 Đồng Quốc Bình. Tập trung thi công phần hoàn thiện công trình chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình, dự kiến hoàn thành và bàn giao công trình vào tháng 5/2022; Triển khai xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; Xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; Khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của HĐND thành phố; Hoàn thành, trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.
Diện mạo đô thị Hải Phòng ngày càng đổi mới
Đưa vào khai thác một số công trình: Trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5; tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356, quận Hải An; cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải.
Khởi công các dự án: Trung tâm Hành chính – Chính trị quận Ngô Quyền; xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoàng Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn; xây dựng mở đường ĐT363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ ĐT đến ĐT 361.
4. Đầu tư, xây dựng, nâng cấp cảng biển
Với vị trí là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, hạ tầng cảng biển thành phố Hải Phòng được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Tổng lượng hàng hóa qua Cảng nước sâu Nam Đình Vũ và cảng Container quốc tế Hải Phòng năm 2021, đạt 150,16 triệu tấn tăng 7,36% so với năm 2020. Trong đó, hàng container cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt hơn 5 triệu teu, tăng 15% so với cùng kỳ năm2021. Với mức tăng trưởng này, lượng container qua cảng biển Hải Phòng dự kiến đạt khoảng 6 triệu teu trong năm 2022. Khẳng định rõ vai trò cảng cửa ngõ lớn nhất miền Bắc. Chưa năm nào tuyến dịch vụ hàng hải từ cảng biển Hải Phòng kết nối đi các cảng trên thế giới lại sầm uất như năm 2021. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để cảng biển Hải Phòng đón lượng hàng container nhiều nhất từ trước đến nay là các cảng hình thành nhiều tuyến dịch vụ hàng hải mới, các dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư, mở rộng, nâng cấp đồng bộ…
Cầu Quang Thanh vượt sông Văn Úc, nối huyện An Lão, thành phố Hải Phòng với huyện Thanh Hà, Hải Dương có vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
5. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng
Thành phố Hải Phòng phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho huyện Cát Hải. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại 14 quận, huyện. Chỉ đạo thực hiện cưỡng chế đối với các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng… Thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án, công trình, nhất là mặt bằng phục vụ phát triển các khu công nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Hoàn thành công tác tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2 ha thuộc phường Thành Tô, quận Hải An. Bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật. Thành phố cũng ban hành các văn bản tăng cường quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố. Rà soát các cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư. Hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1). Cấp 44 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Phê duyệt Chương trình quan trắc môi trường thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tiếp nhận dữ liệu video và dữ liệu quan trắc tự động từ các chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố truyền về. Thực hiện các chương trình quan trắc môi trường theo đề án quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường được phê duyệt. Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Cải cách hành chính, tư pháp có nhiều điểm sáng
Công tác cải cánh hành chính, tư pháp, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của trung ương. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố tiếp tục được chú trọng, nâng cao chất lượng. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật gây vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn theo yêu cầu của Thủ tướng.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, xây dựng “Chính quyền điện tử”, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, trị trấn; hệ thống cung cấp 871 dịch vụ công trực tuyến, gồm: 641 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
7. Đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Hải Phòng đến nay đã hoàn thành việc thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại 8 xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Tân Dân (huyện An Lão), Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), Đồng Thái (huyện An Dương), Gia Minh và Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Xuân Đám (huyện Cát Hải) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Xây dựng NTM kiểu mẫu tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, được nhân dân ủng hộ cao. Diện mạo nông thôn mới phát triển theo hướng đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư… Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các cụm công nghiệp, các khu đô thị, các khu vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố ưu tiên bố trí trực tiếp khoảng 18.290,6 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của thành phố là 16.510,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp, lồng ghép và ngân sách huyện là 1.780 tỷ đồng.
Xây dựng Nông thôn mới Hải Phòng cuộc bứt phá ngoạn mục
8. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có nhiều điểm sáng
Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được thực hiện nhất quán theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Tiếp tục triển khai 25 thỏa thuận/biên bản ghi nhớ còn hiệu lực; bổ sung 01 bản ký kết ghi nhớ thúc đẩy hợp tác giáo dục và văn hóa với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Tổ chức công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn đánh giá của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đối với Hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, không để xảy ra hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Xử lý, giải quyết kịp thời, ổn định các vụ việc về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hải Phòng.
9. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống COVID-19 được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm, đơn vị được thành phố giao trọng trách đảm nhiệm là Sở Thông tin và Truyền thông. Trong năm 2021, Sở đã triển khai tuyên truyền trên mạng Internet qua các hệ thống: cổng thông tin điện tử; kênh thông tin chính quyền điện tử trên Zalo, Fanpage Facebook nên thông tin về phòng, chống dịch được cập nhật kịp thời, tiếp cận đông đảo người theo dõi. Hiện thành phố Hải Phòng đã có 12/217 xã, phường, thị trấn đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở theo công nghệ truyền thanh số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyển từ văn bản thành giọng nói và phát thanh. Dự kiến trong năm 2022 có 27/217 xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ này.
Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng hướng dẫn khai báo y tế điện tử tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19
Hiện, sở Thông tin và truyền thông Hải Phòng còn quản lý, vận hành tốt hệ thống bản đồ Covid, cập nhật thường xuyên thông tin dịch bệnh trên địa bàn thành phố tại địa chỉ covidmaps.haiphong.gov.vn; kết nối, cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng quốc gia. Đến hết năm 2021, Hải Phòng đã có 3.226.581 mũi tiêm vaccin phòng Covid-19 được tiêm, cập nhật trên nền tảng là 2.763.940 mũi, đạt hơn 85,6%.
Sở Thông tin và truyền thông Hải Phòng cũng đã đưa hệ thống Tổng đài tư vấn điều trị F0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào vận hành. Đến hết năm 2021 đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 1.000 lượt gọi vào của người dân. Thực hiện gần 3.800 cuộc gọi ra sử dụng công nghệ AI để thông báo số tổng đài. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai xây dựng kịch bản gọi điện dùng AI để tư vấn, chăm sóc, tổng hợp và thống kê tình hình sức khỏe F0. Hoàn thiện kết nối 167 camera tại 14/23 cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố…
10. Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao
Các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, các ngày lễ lớn được tổ chức chu đáo, an toàn, văn minh. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, tri ân các gia đình có công, gia đình thương binh liệt sĩ, đối tượng chính sách có nhiều đổi mới, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tặng quà người có công trong các ngày lễ lớn, với tổng số tiền 338,212 tỷ đồng. Thành phố giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh thành phố về công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia.
Thu Hạnh