VHDN – Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Ngày nay, khi thế giới và thị trường đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thì chuyển đổi số trong doanh nghiệp là điều tất yếu.
Nhà máy sản xuất Tôn Đông Á, Khu công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Tình
Việt Nam nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho đất nước. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
Chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 cấu phần chính, lần lượt là chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước nhằm phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số.
Việc thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là sự cần thiết
Kể từ sau đại dịch Covid-19 cho đến nay, thế giới chứng kiến những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay. Do đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đang dần trở thành xu thế tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi về tư duy và ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bao gồm việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… để thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình kinh doanh và quản lý, nhằm giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả và năng suất, cải thiện trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu, tối ưu hóa quy trình quản lý, tận dụng dữ liệu và thông tin, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo…
Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công do đổi mới đem lại.
Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nước ta hiện nay
Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển doanh nghiệp góp phần kết nối doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp với thị trường, xúc tiến hoạt động giao thương, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, thành và cả nước; kết nối các nền tảng công nghệ số hỗ trợ phát triển bán hàng, quản trị doanh nghiệp; cung cấp kiến thức và công cụ huy động và quản trị tài chính thực hành cho các doanh nghiệp.
Cũng theo khảo sát của VCCI, trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh. Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Công nhân dệt sợi tại Công ty Bao bì HD, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Tình
Có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số. Như vậy, có thể thấy sự chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau.
Một doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số vì nhiều vấn đề khách quan và chủ quan, nhưng cho đến nay, chuyển đổi số được coi là vấn đề sống còn để tồn tại và phát triển. Có thể thấy, trước đại dịch Covid-19, khả năng thích ứng linh hoạt của một tổ chức với khó khăn về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lực thị trường, kỳ vọng của khách hàng… là rất quan trọng. Thực tế cho thấy rằng, tác động của công nghệ số lên các tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực là rất khác nhau, do đó lộ trình chuyển đổi số cũng sẽ khác nhau. Chuyển đổi số đang dần thiết lập lại khái niệm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giống như một phương thức loại trừ trong thời đại bùng nổ công nghệ số. Do vậy, doanh nghiệp nào đi nhanh sẽ có nhiều cơ hội cũng như lợi thế cạnh tranh hơn.
Thực tế, tại nước ta, việc áp dụng chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội, như: Tăng tính cạnh tranh, tạo ra giá trị và nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức, như: Chi phí và đầu tư vào công nghệ số, chi phí đào tạo nhân viên và nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ mới, sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp từ mô hình truyền thống sang mô hình chuyển đổi số có thể gây ra nhiều sự xáo trộn từ nhân viên đến các cấp lãnh đạo, thêm đó việc bảo mật và quản lý đôi khi cũng không tránh được một vài sự cố sự rủi ro ngoài ý muốn liên quan đến an toàn, an ninh mạng.
Long Châu