Trải qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có những bước phát triển kinh tế vượt bậc, trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với sứ mệnh là cửa ngõ kết nối phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường thủy, đường bộ của các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận, Công ty CP Cảng Đồng Nai (PDN) hiện có đủ năng lực đáp ứng các dịch vụ một cách nhanh chóng, mang lại hiệu quả tích cực cho khách hàng. Để thấy rõ tiềm năng to lớn cũng như định hướng của PDN, phóng viên Tạp chí Văn Hóa Doanh nhân (VCCI) đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Văn Nguyên – Phó Tổng Giám Đốc PDN.
PV: Ông có thể chia sẻ những bước đột phá trong hoạt động kinh doanh mà Công ty CP Cảng Đồng Nai đã đạt được trong những năm qua? Và đâu là yếu tố cốt lõi mang lại sự thành công trên, thưa ông?
Ông Trần Văn Nguyên: Đồng Nai là địa bàn có quá trình hội nhập và phát triển công nghiệp mạnh ở khu vực miền Đông Nam Bộ, nơi được mệnh danh là khu tam giác kinh tế lớn của cả nước, có tiềm năng phát triển chính như khai thác dịch vụ cảng, kinh tế rừng, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Sự hình thành và phát triển của PDN đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trung chuyển hàng hóa giữa các cảng nước sâu và các nhà máy tọa lạc trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh nhà. Đây chính là những lợi thế để PDN phát huy năng lực vốn có. Ngay từ khi thành lập, PDN đã luôn tập trung các yếu tố cốt lõi như nguồn lực cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm.
Từ năm 2011, PDN đã chuyển đổi công năng Cảng tổng hợp Long Bình Tân thành cảng chuyên dụng ICD để đón đầu nguồn hàng container sau khi các ICD trong TP.HCM di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Trong năm 2014, PDN đã đầu tư mở rộng 12 hecta kho bãi và cầu tàu 30.000 DWT. Cuối năm 2016 được sự hỗ trợ của Cảng Vụ Hàng Hải Đồng Nai và Cục Hàng Hải Việt Nam, các tàu có trọng tải từ 35.000 DWT trở xuống được cập Cảng Gò Dầu xếp dỡ hàng hóa, đáp ứng xu thế và nhu cầu sử dụng tàu lớn của các chủ hàng, tăng sức cạnh tranh về chi phí thuê tàu, nâng cao năng lực xếp dỡ.
Ngoài việc chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Ban lãnh đạo PDN đã thay đổi định hướng quản trị công ty từ hướng truyền thống sang quản trị theo hướng hiện đại, xây dựng cụ thể các mục tiêu trung và dài hạn, từ đó hoạch định các chiến thuật ngắn hạn để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra, triển khai công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, công tác đào tạo cho CBCNV để nâng cao các kỹ năng cần thiết phục vụ khách hàng. Bởi sự nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo cùng tập thể CBCNV, nhiều năm liền PDN đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý như cờ thi đua xuất sắc, huân chương lao động, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc v.v… Đặc biệt năm 2016 PDN đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhất, đây là một vinh dự to lớn ghi nhận sự thành công, phát triển và là dấu ấn tự hào cho mỗi CBCNV trong đại gia đình PDN.
PV: Nhằm góp phần giảm thời gian và chi phí vận chuyển để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics tại Đồng Nai, PDN đã có những giải pháp cụ thể nào thưa ông?
Ông Trần Văn Nguyên: Là cửa ngõ đầu mối giao thông khu vực tứ giác kinh tế (Đồng Nai – Bình Dương – Vũng Tàu – TP.HCM), PDN có nhiều thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong KCN của tỉnh và các tỉnh lân cận đến cảng nước sâu như VICT, SP-ITC, Cát Lái, TCIT, TCCT, CMIT, TCTT, Cái Mép… bằng đường bộ và đường thủy. Trong năm 2017, PDN tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, tiếp tục xin mở rộng khoảng 50ha và đầu tư thêm 01 cầu cảng 30.000 DWT tại Cảng Gò Dầu để khai thác hàng than chuyên dụng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, công ty luyện thép, hóa chất công nghiệp, dệt nhuộm. Trong thời gian tới, PDN tập trung khai thác các nguồn hàng mới tại KCN Nhơn Trạch, KCN Long Thành, các KCN lân cận nhằm gia tăng lượng hàng hóa xếp dỡ thông qua Cảng, giảm thiểu chi phí, thời gian cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tại PDN.
PDN đang triển khai kết hợp đa phương thức vận tải, mở rộng kết nối giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics tạo chuỗi cung ứng trọn gói vận chuyển hàng hóa từ kho của khách hàng đến PDN bằng đường bộ, vận chuyển từ PDN đến các cảng nước sâu bằng đường thủy. Như vậy lượng khí CO2 thải vào môi trường do vận tải bằng đường bộ được giảm thiểu, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, giảm hiệu ứng nhà kính theo xu hướng thế giới mà các khách hàng Châu Âu, các tập đoàn kinh tế lớn cũng đang rất quan tâm.
Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng mối liên kết với các cảng nước sâu, PDN còn ký kết với các hãng tàu lớn trên thế giới như: MAERSK, CMA, EVERGREEN, MSC… và các hãng tàu mới có dịch vụ tại các cảng liên kết để đáp ứng nhiều lựa chọn cho khách hàng. Đặc biệt PDN luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Cảng vụ, Hải Quan, v.v… Để tạo sự thuận tiện trong việc khai báo, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết kịp thời những vướng mắc cho khách hàng, PDN công bố Đội Hải quan thủ tục tỉnh Đồng Nai đặt trụ sở làm việc tại Cảng chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11 năm 2017 và ngành hàng tổng hợp lần đầu tiên vượt mốc 5 triệu tấn/năm.
PV: Để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường thì việc đầu tư hiện đại hóa thiết bị, công nghệ và chuyên nghiệp hóa đội ngũ là nhu cầu cấp bách?
Ông Trần Văn Nguyên: Đối với PDN, đây là thời điểm rất cần thiết để đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và thiết bị để kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh. Thời gian qua, PDN đã đầu tư hệ thống ICD, kho bãi tại chi nhánh Cảng Long Bình Tân và chi nhánh Cảng Gò Dầu với tổng diện tích đất là 72,7 hecta bao gồm 8 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 5.000 DWT đến 30.000 DWT, hệ thống kho nội địa và kho ngoại quan với tổng diện tích 21.250 m2. Hiện tại PDN đã đầu tư và khai thác triệt để công suất các bến tàu và thiết bị xếp dỡ, trong đó có 02 cẩu Liebherr cố định với sức nâng 40 tấn, tầm với 29,5 m; 01 cẩu Macgregor sức nâng 40 tấn tầm với 30m tại Long Bình Tân, hệ thống cẩu ray trên cầu cảng 30.000 DWT tại Gò Dầu. Dự kiến trong năm 2018, PDN tiếp tục đầu tư bến tàu 30.000 DWT, các thiết bị kèm theo tại Cảng Gò Dầu và mở rộng thêm 50m cầu tàu tại Cảng Long Bình Tân để đón đầu lượng hàng hóa sau khi các ICD trong TP.HCM di dời ra khỏi trung tâm thành phố.
Song song với công tác đầu tư nêu trên, PDN đã ứng dụng công nghệ vào quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hệ thống phần mềm quản trị nhân sự, tài chính, tăng cường đào tạo nguồn lực, đào tạo kỹ năng mềm cho các đầu ngành và rút ngắn thời gian hội họp để tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Ngoài việc chú trọng đầu tư mạnh cho nguồn lực nhằm đổi mới tư duy, gắn kết khát vọng «trẻ » mãnh liệt giúp « giữ lửa » cho những phát triển đột phá thì PDN vẫn luôn coi trọng công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho toàn thể CBCNV, tạo không khí phấn khởi vui tươi trong thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, vạn tấm lòng vàng… Tự hào hơn khi tháng 09/2017 vừa qua, PDN là 1 trong 13 đơn vị tiêu biểu tham gia hội thi “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu xuất sắc” lần thứ I năm 2017 do Sở Văn Hóa TTDL và Liên Đoàn Lao Động tỉnh Đồng Nai tổ chức và đã đạt được giải nhì toàn đoàn.
PV: Để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có chiều sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín, thương hiệu khai thác cảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cảng Đồng Nai sẽ tiếp tục đề ra mục tiêu và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ông Trần Văn Nguyên: Với mục tiêu “Nắm bắt cơ hội, vươn tầm cao mới”, tập thể PDN không ngừng phấn đấu, đồng lòng vì lợi ích chung là xây dựng thương hiệu, uy tín của công ty trong lòng khách hàng. PDN luôn tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện chiến lược liên kết hỗ trợ chính sách giá, phân khúc chuỗi dịch vụ, thuận lợi hóa các thủ tục hải quan để tạo chuỗi dịch vụ trọn gói hoàn hảo. Với những định hướng đề ra, PDN luôn hy vọng các cơ quan ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ PDN trở thành trung tâm hậu cần của các tỉnh Miền Đông Nam Bộ để đón đầu nguồn hàng hóa trong thời gian sớm nhất./.
Xin cảm ơn ông !