Xuất phát điểm thấp và không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác, Hậu Giang nỗ lực nâng tầm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Anh Thi thực hiện.
Ông có thể chia sẽ một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của Hậu Giang đến thời điểm hiện tại cũng như sự chuẩn bị của tỉnh nhằm thu hút đầu tư trong thời gian tới?
Khâu đăng ký doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, lũy kế từ khi chia tách tỉnhđến nay chúng tôi đã cấp 4.981 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là46.803,389 tỷ đồng, tỉnh hiện có 47.693 hộ cá thể với tổng vốn đăng ký 3.241,614 tỷ đồng.
Về đầu tư trong nước, Hậu Giang hiện có 493 dự ánvới tổng số vốn là 123.860,24 tỷ đồng (trong đó, 05 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn 1.030 tỷ đồng).
Về đầu tư nước ngoài ,tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 28 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 480 triệu USD, vốn giải ngân trên 424 triệu USD, đạt trên 88% tổng vốn đăng ký. Trong đó, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 15 doanh nghiệp, tổng vốn 314 triệu USD và 13 doanh nghiệp liên doanh với tổng vốn 164 triệu USD.
Ngoài ra còn một số dự án lớn về điện năng lượng mặt trời, hạ tầng khu dân cư thương mại, khách sạn 5 sao của các tập đoàn lớn như Vincom, FLC đang tiếp cận để nghiên cứu đầu tư.
Do không có nhiều lợi thế canh tranh so với các tỉnh thành khác, ngoài các chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, Hậu Giang đặc biệt chú trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng lao động, định hướng thu hút theo ngành và chuỗi giá trị gia tăng của hàng hóa hoặc chuỗi liên kết sản xuất, chủ yếu là các ngành công nghiệp phụ trợ.
Hiện thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh giảm xuống cón 1,5 ngày, thay đổi nội dung kinh doanh trong vòng 0,5 ngày, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 02 ngày, cấp chủ trưởng đầu tư trong vòng 15 ngày. Tỉnh cũng đã áp dụng chính sách cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép qua mạng ở cấp độ 2, 3 và 4 trong các khâu như đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai…
Ngoài ra, Hậu Giang sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng dự án; hỗ trợ giảm chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp (trên báo và Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang); chi thưởng môi giới đầu tư; hỗ trợ chi phí đào tạo cho doanh nghiệp; hỗ trợ vốn vay, xuất nhập cảnh và cư trú, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Xin Ông điểm qua một số dự án đầu tư quy mô lớn của Hậu Giang đến thời điểm hiện nay?
Hiện Hậu Giang đã thành công trong việc thu hút một số dự án lớn trong và ngoài nước. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu và nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (2.150 tỷ Đông); dự án dịch vụ hàng hải Hậu Giang (3.225 tỷ Đồng); dự án nước Aquaone Hậu Giang (2.780 tỷ Đồng); dự án nhà máy bia Masan Hậu Giang và trạm cấp nước (1.664 tỷ Đồng); dự án thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (1.490 tỷ Đồng); dự án Meekong Logistics (1.105 tỷ Đồng); dự án dược phẩm Hậu Giang (725 tỷ Đồng).
Ngoài ra, một số nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu và chuẩn bị đầu tư vào Hậu Giang trong các lĩnh vực như: nhiệt điện, quang điện, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại dịch vụ và khách sạn 5 sao…
Công tác liên kết cung cầu, kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, liên kết thị trường tiêu thụ… được tỉnh quan tâm như thế nào, thưa ông?
Là tỉnh thuần nông, 80% dân số làm nghề nông, do đó, công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ, mở rộng thị trường luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Từ 2017 đến tháng 8/2018, tỉnh đã tổ chức 05 kỳ hội chợ cấp tỉnh bao gồm: hội chợ thành tựu công-nông nghiệp và thương mại 2017, hội chợ Công nghiệp thương mại 2017, hội chợ mua sắm tiêu dùng Xuân Đinh Dậu 2017, hội chợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội chợ Xuân Hậu Giang 2018; ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức 15 hội chợ triển lãm cấp Huyện nhằm giới thiệu nông sản địa phương; tổ chức 02 phiên chợ và đưa 25 chuyến hàng Việt về nông thôn.
Trong hai năm 2017 và 2018, Hậu Giang cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát và tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tại các chợ đầu mối tại Tp.HCM; trưng bày và quảng bá nông sản tại Hội nghị kết nối Doanh nghiệp miền Đông – Tây Nam Bộ; ký kết 05 hợp đồng mua bán nông sản chủ lực (khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi Hồ lô, đường Casuco, thịt và heo giống); tổ chức đoàn giao thương và xúc tiến thương mại với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và ký kết 07 hợp đồng ghi nhớ.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ định hướng cho bà con nông dân mở rộng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap hướng tới xuất khẩu; tiếp tục kết nối cung cầu với các tỉnh thành khác, đặc biệt là Tp.HCM.
Đâu là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Hậu Giang trong thời gian tới?
Lĩnh vực mà chúng tôi tập trung thu hút đầu tư là sản xuất chế biến nông sản, nâng cao giá trị cho hàng hoá nông sản của Hậu Giang, thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp kinh doanh thương mại tạo chuỗi giá trị riêng biệt cho hàng hóa nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hậu Giang sẽ tăng cường liên kết vùng, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng; tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ; khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, triển khai mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) khi có điều kiện, nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động thêm vốn cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.