Là huyện phía Tây của tỉnh Trà Vinh, thuộc tả ngạn sông Hậu, nơi đây hội tụ những con người đầy đức tính kiên cường, chịu thương chịu khó. Đó chính là động lực để huyện nhà phấn đấu, vươn lên phát triển giàu mạnh, và tự hào với truyền thống oanh liệt của quê hương. “Mục tiêu sau năm 2020 của địa phương chính là xây dựng và nâng cấp đô thị Tiểu Cần lên thị xã trực thuộc tỉnh trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13” – Ông Trần Hoàng Khải – Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết.
Ông Trần Hoàng Khải – Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần
Quyết tâm
Trong năm 2017 tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn huyện ước đạt hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ, đạt 91,11% kế hoạch. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp – thủy sản ước đạt hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch, tăng 4,3% so với năm 2016. Giá trị CN-TTCN đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng, đạt 81,8% KH. Cùng với đó là mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, cây xanh và phát triển trung tâm thương mại, cụm công nghiệp, khu dân cư mới theo chuẩn đô thị… ngày càng khởi sắc. Với phong trào thi đua “Tiểu Cần cùng cả nước chung sức xây dựng NTM”, thời gian qua huyện đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Trong năm 2017, huyện có hơn 22,1 nghìn hộ đạt chuẩn hộ NTM (chiếm 90%), 68/77 ấp được công nhận ấp NTM (chiếm 88,31%), 6/9 xã được công nhận đã chuẩn NTM, các xã còn lại đạt 19/19 tiêu chí. Toàn huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM.
Không chỉ thế, từ cán bộ đến nhân dân Tiểu Cần đều hỗ trợ nhau trong tiết kiệm, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là quan tâm huy động tối đa các nguồn lực theo hướng xã hội hóa trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, văn hóa, xã hội, góp phần tạo nền tảng thúc đẩy cho huyện Tiểu Cần sớm đạt chuẩn thị xã sau năm 2020. “Bên cạnh việc chú trọng vào công tác rà soát để công nhận, tái công nhận xã, ấp, hộ gia đình văn hóa, NTM; Ban lãnh đạo huyện đã cố gắng tận dụng tối đa lợi thế vùng, mở rộng mô hình CĐL; mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất lúa an toàn thân thiện với môi trường thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm” – Ông Khải nói. Huyện cũng đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 của thị trấn Tiểu Cần; Quy hoạch xây dựng thị trấn Tiểu Cần với quy mô diện tích khoảng 5.700ha trên cơ sở 100% diện tích của thị trấn Tiểu Cần, xã Phú Cần, xã Hiếu Tử, một phần của xã Hiếu Trung, Tân Hòa và Tân Hùng. Triển khai nhanh quy hoạch chi tiết sử dụng đất đến năm 2020 và 2025, gắn với quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản của các khóm, xã còn diện tích lớn đất nông nghiệp, thủy sản theo yêu cầu xây dựng đô thị.
Nỗ lực
“Xét thấy quy hoạch các CCN – TTCN phải phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng, đa dạng về cơ cấu gắn với nhu cầu thị trường và công tác bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử… Bởi thế chúng tôi xác định thời gian tới ngoài kinh tế nông nghiệp (chủ đạo là cây lúa, thủy sản, cây ăn quả) thì công nghiệp – TTCN là lĩnh vực đột phá tạo sức bật cho kinh tế huyện nhà. Hiện Tiểu Cần đang chú trọng đầu tư vào CCN Tiểu Cần (dự kiến 50ha). Hy vọng địa phương sẽ nhận được nhiều hỗ trợ tích cực từ chính quyền và doanh nghiệp trong công cuộc phát triển này” – Ông Khải kỳ vọng.
Đi liền với đó HTX chiếm vai trò quan trọng trong liên kết chính quyền, nông dân, và doanh nghiệp; đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và giúp doanh nghiệp nguồn nguyên vật liệu ổn đinh. Bởi thế, huyện cũng không ngừng nghiên cứu các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nông dân trong thực hiện mô hình. Cụ thể đã phấn đấu hình thành thương hiệu gạo của địa phương chất lượng cao, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó sử dụng phân hữu cơ vi sinh, an toàn thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu quan trọng, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ vi sinh trên địa bàn huyện.
Huyện Tiểu Cần ngày nay đã đổi khác, với cơ sở hạ tầng đã chỉnh trang, chú trọng thu hút đầu tư các dự án từ các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở vật chất phục vụ dịch vụ, thương mại. Có thể nói, huyện chưa bao giờ lơ là việc kêu gọi các hộ kinh doanh có điều kiện nên mạnh dạn đăng ký chuyển đổi hoạt động từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp để được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 56 của Chính phủ và Quyết định số 244 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020. Bằng nhiều sự cố gắng nổi cộm này, mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền – doanh nghiệp – nông dân đã trở thành mối dây bền chặt điển hình cho một bức tranh kinh tế huyện nhà tăng trưởng ổn định, với tốc độ đô thị hóa bền vững thân thiện với môi trường./.
Châu Nguyễn