Kiên Giang

Kiên Giang: Thúc đẩy mô hình Tôm – Lúa cồng nghệ cao

8:38 sáng | 18/06/2019

Nhằm khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, Kiên Giang xác định mô hình cây lúa – con tôm đạt chuẩn VietGAP là hướng đi bền vững trong thời gian tới, Tạp chí VHDN có cuộc trao đổi với Giám đốc ở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm xung quanh vấn đề trên. Đỗ Thi thực hiện.

 

Xin ông chia sẽ cụ thể mô hình phát triển cây lúa-con tôm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cùng định hướng sắp tới của tỉnh?

Có thể khẳng định cây lúa và con tôm hiện là hai mặt hàng chủ lực của Kiên Giang. Mô hình này đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt sau khi tỉnh thực hiện cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2018.

Hiện tỷ trọng GRDP ngành nông nghiẹp chiếm khoảng 34,52% GRDP toàn tỉnh với tỷ trọng đóng góp 1,84% vào sự tăng trưởng chung.

Đối với cây lúa, hiện toàn tỉnh có diện tích lúa khoảng 728.415 ha với sản lượng đạt 4.260.185 tấn năm 2018, đạt 100,24% kế hoạch, tăng 4,96% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 ước đạt 14.616 tỷ Đồng, tăng 3,38% so với năm 2017.

Về thuỷ sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 815.423 tấn, vượt 4,01 % kế hoạch và tăng 6,82 so cùng kỳ, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 6.737 tỷ đồng, tăng 9,58% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 73.390 tấn, vượt 6,36% kế hoạch và tăng 10,71% so cùng kỳ.

Đặc biệt, Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm-lúa. Diện tích tôm-lúa năm 2018 đạt 83.458 ha (năm 2015 là 77.866 ha). Theo định hướng phát triển, sau năm 2020, Kiên Giang tiếp tục chuyển đổi vùng sản xuất lúa phía Nam quốc lộ 80 (thuộc Huyện Hòn Đất và Kiên Lương) sang mô hình tôm – lúa, diện tích dự kiến khoảng 20.000 ha.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang có giải pháp nào nhằm khắc phục những bất cập trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thưa ông?

Hiện tỉnh chỉ có một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Na-Uy vào việc nuôi cá lòng trên biển, con số khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Kiên Giang. Tuy nhiên, đây cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp định hướng phát triển tiếp theo.

Ngoài ra, chúng tôi đã có 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận: vùng sản xuất lúa quy mô 762 ha và vùng nuôi trồng thuỷ sản quy mô 650ha.

Nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh dự kiến sẽ quy hoạch 01 vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao khoảng 10.000 ha; phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi; kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực mạnh về vốn, về khoa học kỹ thuật đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị để phát triển nuôi biển; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như xây dựng vùng lúa chất lượng cao, trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính, nuôi tôm 2 lót bạc đáy giai đoạn…

Kiên Giang có chính sách hỗ trợ thiết thực nào dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn sắp tới?

Liên quan đến chính sách ưu đãiđầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện ngành nông nghiệp Kiên Giang đang phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, đây là chính sách riêng của tỉnh nên việc ban hành chính sách này đòi hỏi phải có sự đồng thuận của các Bộ ngành liên quan của Trung ương và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, dự kiến chính sách này sẽ trình HĐND tỉnh trong quý II-2019.

Quan điểm của ngành nông nghiệp Kiên Giang đối với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 41 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng như công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp là như thế nào?

Chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này. Thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các chương trình, mô hình khuyến nông có hiệu quả, phù hợp với vùng sinh thái và quy hoạch của ngành.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa một số giống cây trồng vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm phát huy tiềm lực của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.Hiện có 21 chủ thể với 11 loại nông sản đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên kết tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả và bền vững, nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng VietGAP, Global GAP đối với nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi sẽ xây dựng và hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 57 của Chính phủ.