Bến Tre

Khởi sự doanh nghiệp: Sáng tạo nhưng phải phù hợp thực tế

7:17 sáng | 08/07/2019

Để thành công trong công tác tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự năng động, sáng tạo trong triển khai nhưng phải phù hợp với thực tế của địa phương. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN.

 

Xin ông chia sẽ một số điểm nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của Bến Tre trong thời gian gần đây?

Trong nữa nhiệm kỳ 2015-2020, điểm nổi bật nhất là nỗ lực của tỉnh trong công tác kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Kết quả là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn nằm trong nhóm điều hành tốt, xếp thứ 4/63 tỉnh thành (2018).

Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh đã thành lập Tổ dịch vụ công với nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, thu thập và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất. Tổ dịch vụ công từ khi thành lập vào tháng 6/2017 đã tiếp nhận và hỗ trợ 42 dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến đầu tư. Nổi bật nhất là Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017 gắn với Ngày hội “Bến Tre – Đồng Khởi khởi nghiệp” với sự tham gia của Thủ tướng chính phủ.

Sau hội nghị, tỉnh đã trao quyết định đầu tư và ký kết bản ghi nhớ đầu tư trị giá 53.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước như Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.

Trong nữa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã thu hút được 93 dự án trong nước (vốn đăng ký 29.114 tỷ đồng), 11 dự án FDI (vốn đăng ký 9.513 tỷ đồng), nhiều thoả thuận đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng khu và cụm công nghiệp, đô thị, năng lượng sạch với vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

Điểm khác biệt của Bến Tre trong công tác xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch so với các điạ phương khác là gì, thưa ông?

Ngoài công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh, giải quyết trọn gói các TTHC từ khâu tìm hiểu, nghiên cứu dự án, thành lập doanh nghiệp đến sau giấy phép, chúng tôi luôn quan tâm và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau: đối thoại định kỳ hàng quý, mô hình cà phê doanh nghiệp, bàn tròn khởi nghiệp.

Các hoạt động này giúp chúng tôi tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thông tin các chủ trương mới đến cộng đồng doanh nghiệp.

Bến Tre cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng khu/cụm công nghiệp, ban hành chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xã hội hoá, chính sách phát triển HTX…

Một trong những chương trình nổi bậc nhất là “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Chương trình đã có tác động tích cực, tạo bứt phá trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, bồi dưỡng và hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp, giúp kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng quy mô. Và quan trọng nhất, chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đã thúc đẩy cải cách TTHC, thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Có thể nói, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp trên đã giúp Bến Tre có sự cải thiện vượt bậc về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI, xây dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Theo ông, lý do vì sao công tác khuyến khích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được thực hiện tốt tại nhiều địa phương, Bến Tre có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Việc khuyến khích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đang được nhiều địa phương quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Bến Tre. Tuy nhiên, tôi cho rằng để làm tốt cần có sự quyết tâm và chung tay của cấp chính quyền cùng sự đồng hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự năng động và sáng tạo trong triển khai là cần thiết nhưng phải đảm bảo phù hợp với thực tế riêng của từng địa phương.

Đối với Bến Tre, chúng tôi đã từng bước hướng đến xây dựng “địa phương khởi nghiệp” trong tương lai.

Tỉnh luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp như: hỗ trợ – tư vấn thực hiện TTHC nhanh chóng; kết nối – hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động như đào tạo, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường…; cam kết tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là thực hiện cải cách thủ tục đầu tư kinh doanh theo cơ chế “một đầu mối” tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp.

Xin ông cho biết định hướng kêu gọi đầu tư, tiêu chí chọn lọc cùng dự án kêu gọi đầu tư của Bến Tre trong thời gian tới?

Bến Tre đang tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp với công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao, tốn ít đất, thân thiện với môi trường. Trong đó chủ yếu là chế biến sâu các mặt hàng nông, thủy sản mà tỉnh có thế mạnh về vùng nguyên liệu sạch như: dừa, cây ăn trái, tôm biển… và các ngành công nghệ phụ trợ, năng lượng sạch.

Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Về đối tác đầu tư, hiện nay các tập đoàn và các công ty trong nước vẫn là đối tác chủ yếu, bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung vào đối tác nước ngoài tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc và các nước ASEAN… nhờ vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết.

Đỗ Thy thực hiện