Trước thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực y tế trong khi nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng, ngành y tế Tây Ninh đã thực hiện các chính sách đào tạo, thu hút, phát triển nguồn bác sĩ.
Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế
Đến cuối năm 2018, Tây Ninh có 764 bác sĩ với tỷ lệ 6,7 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn mức trung bình cả nước là 8,6 bác sĩ/vạn dân)
Riêng khối công lập, toàn tỉnh có 485 bác sĩ (232 trình độ trên ĐH), 95 dược sĩ (15 trình độ trên ĐH).
Ước tính, Tây Ninh cần đến 700 bác sĩ, hiện còn thiếu hơn 200 bác sĩ. Các cơ sở y tế công lập đang thiếu bác sĩ do số lượng bác sĩ nghỉ việc và nghỉ hưu (30-40 người/năm).
Việc thiếu hụt nhân lực khiến ngành y tế Tây Ninh gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cũng như công tác phát triển chuyên khoa và kỹ thuật mới.
Một mặt, bác sĩ có kinh nghiệm sắp nghỉ hưu, mặt khác bác sĩ mới ra trường chưa đáp ứng nhu cầu và cần thêm thời gian đào tạo. Nhiều bác sĩ phải làm việc với cường độ cao, thiếu thời gian học tập, nghỉ ngơi và nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Giải pháp hiện nay là điều động bác sĩ từ cấp Huyện hỗ trợ cấp xã, tuy nhiên, ngay cả các sĩ cấp xã cũng phải hỗ trợ tuyến trên do số lượng bệnh nhân đông vào những ngày đầu tuần. Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ tuyến xã còn phải tham gia nhiều hoạt động khác của địa phương nên ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Đổi mới chính sách thu hút và đào tạo
Hiện tỉnh hỗ trợ nhân viên y tế học liên thông từ y sĩ lên bác sĩ. Cụ thể là hỗ trợ học phí và tiền thuê nhà trọ. Đối với sinh viên chính quy có cam kết phục vụ tại tỉnh lâu dài, UBND tỉnh sẽ cử đi đào tạo và hỗ trợ một phần kinh phí.
Ngoài ra, ngành y tế tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các trường đại học y dược để nâng cao chỉ tiêu đào tạo, đa dạng các hình thức đào tạo nhằm tạo nguồn sinh viên y khoa cho tỉnh.
Từ năm 2012 đến nay, ngành y tế Tây Ninh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 168 bác sĩ. Hiện các bác sĩ này đã về tỉnh nhận công tác. Hiện còn 250 sinh viên y khoa đang đào tạo để bổ sung trong giai đoạn 2019-2025.
Đối với bác sĩ hay sinh viên từ địa phương khác tình nguyện về Tây Ninh phục vụ lâu dài sẽ được hưởng trợ cấp 180 triệu VND/người (bác sĩ) đến 300 triệu đồng/người (tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp 2). Từ năm 2012 đến nay, đã có 30 bác sĩ hưởng trợ cấp thu hút này.
Bên cạnh đó, ngành y tế Tây Ninh cũng áp dụng chế độ chi trả tiền công cho các bác sĩ đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc. Gần 50 bác sĩ đang làm việc theo hình thức này. Nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ.
Về công tác đào tạo, Tây Ninh hỗ trợ học phí và tiền thuê nhà cho nhân viên y tế đi học nâng cao trình độ, hỗ trợ tiền ôn thi đầu vào cho các đối tượng tham gia khoá học sau đại học. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ tham gia các khoá học nâng cao trình độ hoặc đào tạo chuyên khoa, kịp thời đáp ứng nhu cầu bức xúc của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng linh hoạt phối hợp với với các Trường đại học y dược bố trí thời gian đào tạo, thực hành tại tỉnh đối với các khóa đào tạo đại học, sau đại học, chuyên khoa (chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, nội thần kinh…), vừa giúp tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia, vừa giúp học viên áp dụng ngay kiến thức được học vào tình hình thực tế của tỉnh.
Ngành y tế Tây Ninh cũng có chính sách hỗ trợ bác sĩ tình nguyện phục vụ tại tuyến xã, vung khó khăn trong các lĩnh vực như lao, tâm thần, HIV/AIDS.
Lê Phương