Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Giao thông tỉnh Tây Ninh (gọi tắt Ban QLDA) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, có nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh; quản lý điều hành dự án từ bước chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng hoàn thành và quyết toán vốn đầu tư dự án. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ban luôn quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, giải ngân đạt tỉ lệ cao; góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển KT – XH.
Thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Ban QLDA được giao quản lý đầu tư xây dựng 23 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh Tây Ninh còn nhiều khó khăn song lãnh đạo tỉnh quyết tâm tập trung tối đa các nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng; các dự án mang tính dẫn dắt để thúc đẩy KT – XH phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong đó có thể kể đến: các dự án mang tính kết nối, liên kết vùng với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nâng cấp, mở rộng ĐT.782 – ĐT.784; đường Đất Sét – Bến Củi; đường ĐT.781 đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương; đường từ ngã ba ĐT.781 – Bờ hồ Dầu Tiếng đến ĐT.785 ngã tư Tân Hưng; đường Phước Vinh – Sóc Thiết – Tà Xia…); các dự án biên mậu kết nối khu vực biên giới, phát triển giao thương hàng hóa với Campuchia, kết hợp phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng (cầu Tân Nam; Tiểu dự án đường Kà Tum – Tân Hà và Tiểu dự án đường Tà Nông (thuộc dự án Đường ra cửa khẩu biên mậu)…); các dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ kết nối các khu trung tâm kinh tế giữa các huyện trong tỉnh, phá thế chia cắt giao thông, rút ngắn cự ly vận chuyển (đường và cầu Bến Đình; đường và cầu Bến Cây Ổi; cầu An Hòa); các dự án chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch tỉnh nhà (nâng cấp, mở rộng đường Bình Dương; nâng cấp, cải tạo và ngầm hóa đường 30 – 4; mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đường Trưng Nữ Vương…)….
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua Ban QLDA chú trọng quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư dự án, tiết kiệm cho ngân sách; đồng thời đảm bảo công trình đạt tiến độ, chất lượng và yêu cầu thẩm mỹ. Ban còn quan tâm lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm để thiết kế, thi công hoàn thành công trình đúng kế hoạch, phát huy hiệu quả đầu tư dự án. Tổng kết giai đoạn 2016 – 2020, Ban QLDA đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 7 dự án; đang triển khai 12 dự án trong năm 2019 – 2020; còn lại 4 dự án chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công dựng giai đoạn 2021 – 2025. Tổng giá trị gói thầu được duyệt hơn 1.992 tỷ đồng; tổng giá trị trúng thầu gần 1.778 tỷ đồng; tiết kiệm sau đấu thầu hơn 214 tỷ đồng.
Giữa bối cảnh mật độ dân số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tăng nhanh, áp lực giao thông lớn, hạ tầng giao thông thiếu, Ban QLDA đang phải gánh vác phần công việc và trách nhiệm hết sức nặng nề. Chính vì vậy mục tiêu hàng đầu của Ban là hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020; quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, rút ngắn thời gian thi công gắn với nâng cao chất lượng xây dựng, phấn đấu đưa nhiều công trình vào khai thác sử dụng phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại và giao thương của người dân, đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối. Ngoài ra Ban cũng sẽ đề xuất các dự án mới, mang tính chiến lược, thiết yếu vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 nhằm phát huy hết tiềm năng KT – XH; đảm bảo nhu cầu dân sinh; phục vụ hiệu quả nhu cầu mạnh mẽ về phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019 này, Ban QLDA sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án trọng điểm như: ĐT.782 – ĐT.784, Đất Sét – Bến Củi, ĐT.781 – Bờ hồ Dầu Tiếng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án mới trên toàn tỉnh như: ĐT.793 – ĐT.792; ĐT.781 từ Thị trấn Châu Thành đến Cửa khẩu Phước Tân, cầu An Hòa, cầu Bến Cây Ổi…Đặc biệt chú trọng những dự án cầu đi qua các xã cách xa trung tâm, ít phát triển, người dân đi lại khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KT – XH, giáo dục…tại các khu vực này.