Bạc Liêu

Bạc Liêu: Xác định rõ thế mạnh, thực hiện năm trụ cột kinh tế

2:48 sáng | 14/06/2019

“Không chịu đi sau, không chịu tụt hậu, hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững. Bạc Liêu tiếp tục dồn sức cho công tác thu hút đầu tư năm 2019 – năm nước rút để Bạc Liêu về đích vào năm 2020”, Giám đốc Sở KH&ĐT Bạc Liêu Trần Thanh Tâm khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Phong Châu thực hiện.

 

Xin ông vui lòng cho biết nhân tố nào giúp Bạc Liêu thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Bạc Liêu thu hút và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 123 dự án (tổng vốn đăng ký là trên 37.000 tỷ đồng và 72 triệu USD) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nằm ở sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đưa ra định hướng thu hút đầu tư rõ ràng dựa trên lợi thế và tiềm năng của Bạc Liêu. Chúng tôi đã xác định được 5 trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo (gió, khí, mặt trời); du lịch; thương mại-dịch vụ-giáo dục-y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.

Một nhân tố không kém phần quan trọng là phương pháp mà chúng tôi tiếp cận nhà đầu tư. Chúng tôi luôn chủ động tiếp cận, gặp gỡ và giới thiệu dự án đến các nhà đầu tư.

Yếu tố tiếp theo là việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo phương châm “đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục”. Công tác này luôn đi đôi với việc đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp, mô hình cà phê doanh nhân…

Ngoài ra, chính sự cầu thị của lãnh đạo các cấp trong công tác thu hút đầu tư đã giúp Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, sự tận tuỵ và chân thành của cấp lãnh đạo và người dân đã biến Bạc Liêu thành vùng đất nghĩa tình, thân thiện, cởi mở và hiếu khách.

Theo ông, Bạc Liêu cần có những thay đổi và điều chỉnh như thế nào nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và công tác triển khai dự án đầu tư?

Năm 2019 được xác định là năm “nước rút”, là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu “về đích” vào năm 2020, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình của cả nước. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi xác định thực hiện tốt các giải pháp như sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.

Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng,

Ba là, đẩy mạnh việc lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Bốn là, cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư phù hợp các quy định mới của Chính phủ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Năm là, xây dựng chương trình chuẩn hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý công chức, viên chức; kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Xin ông cho biết thêm về kết quả của công tác xúc tiến đầu từ vào 05 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế-xã hội?

Về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Bạc Liêu đang xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” (hoàn tất 30% khối lượng công việc) nhằm đưa Bạc Liêu thành thủ phủ nuôi tôm công nghiệp của cả nước. Hiện chúng tôi đã giao 315 héc ta cho Tập đoàn Việt -Úc, còn hơn 100 héc ta khác ở vùng lõi đang dành cho các nhà đầu tư khác. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng quy mô sản xuất tôm công nghệ cao nhằm đạt muc tiêu xuất khẩu thuỷ sản lên 1 tỷ USD. Ngoài ra, Bạc Liêu đã xây dựng được 21 cánh đồng lớn trên cây lúa với diện tích gieo trồng 11.372 ha.

Về năng lượng tái tạo, hiện dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I, II) quy mô 99,2MW đã đi vào hoạt động, giai đoạn III với quy mô công suất là 142MW đang tiếp tục triển khai. Ngoài ra dự án điện gió Hòa Bình 1, điện gió Đông Hải 1, điện gió Nhật Bản – Bạc Liêu với tổng công suất là 150MW đang chuẩn bị khởi công, trong khi dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW đang chờ Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch vào sơ đồ điện VII.

Về du lịch; thương mại – dịch vụ, một số dự án du lịch đã đi vào hoạt động như Nhà Mát Bạc Liêu, KDL sinh thái Hồ Nam, Khách sạn New Palace, dự án khu văn hoá đa năng đang triển khai xây dựng. Hiện tập đoàn FLC đang nghiên cứu và lập đề xuất dự án đầu tư Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Bạc Liêu. Nhiều dự án thương mại cũng đã đi vào hoạt động như siêu thị Co.op Bạc Liêu, siêu thị Vinmart; trung tâm thương mại Nguyễn Kim…

Về giáo dục, y tế chất lượng cao: hiện có 02 dự án trường tiểu học và trường mầm non đã đi vào hoạt động, 03 dự án giáo dục chất lượng cao đang được khảo sát và đề xuất đầu tư. Trong khi đó, dự án Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (200 giường), giai đoạn 2 đang tiến hành xây dựng. Ngoài ra, dự án Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu Sài Gòn (400 giường) đã khởi công xây dựng.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, Bạc Liêu định hướng phát triển kinh tế biển tập trung vào 03 lĩnh vực gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp (năng lượng tái tạo; điện gió, điện khí, điện mặt trời), du lịch biển. Ngoài 3 lĩnh vực này, hiện tỉnh đã có dự án chế biến chả cá và bột cá (đã đi vào hoạt động); dự án đóng mới và sửa chữa tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá; dự án nhà máy chế biến dầu cá đang thực hiện thủ tục đề xuất đầu tư. Hiện Bạc Liêu đã phối hợp với các tỉnh lân cận xây dựng quy chế phối hợp quản lý, đảm bảo quốc phòng an ninh và môi trường biển.

Cảm  Ơn Ông

 Trân Châu thực hiện