Bến Tre

Bến Tre: Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp chủ lực

7:22 sáng | 08/07/2019

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh tại Bến Tre duy trì ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ tăng khá so với cùng kỳ. Theo Giám đốc Sở Công thương Bến Tre Lê Văn Khê, Bến Tre quyết tâm tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến trong thời gian tới.

 

Xin ông chia sẽ bức tranh phát triển công nghiệp chế biến của Bến Tre trong những năm gần đây?

Bến Tre có lợi thế về công nghiệp chế biến với nguồn nguyên liệu dừa và thuỷ sản phong phú. Chúng tôi đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản, thực phẩm đến năm 2020. Từ năm 2016, Bến Tre đã thu hút 14 dự án đầu tư trong hai lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư 903.833 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản và thực phẩm năm 2018 đạt 11.865 ,9 tỷ đồng; trong đó dừa và thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp Bến Tre.

Về thuỷ sản, giá trị sản xuất đạt 7.646,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 09 nhà máy chế biến thuỷ sản, chủ yếu là thuỷ sản đông lạnh với công suất chế biến ước đạt 76.000 tấn/năm, 46.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng khoảng 267.500 tấn (2018), xuất khẩu thuỷ sản chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về sản phẩm dừa, tỉnh đã ban hành chương trình phát triển dừa đến năm 2020 với tổng diện tích 70.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2018, tổng diện tích đã tăng lên 72.022 ha, vượt 2.022 ha so với chương trình, năng suất 9.500 trái/ha. Tỉnh hiện có 158 doanh nghiệp chế biến thạch dừa, than hoạt tính, chỉ sơ dừa, mụn dừa, cơm dừa sấy… Năm 2018, giá trị sản xuất dừa đạt 3.300 tỷ đồng chiếm 12,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Sản phẩm dừa Bến Tre hiện đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về thực phẩm, tổng giá trị chế biến thực phẩm ước đạt 949,6 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 3,55% GTSXCN toàn tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 5,29 %/năm.

Bến Tre có sự hỗ trợ nào dành doanh nghiệp nhằm từng bước nâng cao giá trị công nghiệp chế biến, thưa ông?

Hàng năm, chúng tôi chỉ đạo các ngành chức năng tranh thủ các nguồn vốn khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị và đa dạng hoá sản phẩm.

Năm 2018, chúng tôi đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 05 đề án (1 tỷ đồng), 16 dự án công nghiệp chế biến (2,24 tỷ đồng), nâng tổng số dự án hỗ trợ lên 16 dự án khuyến công quốc gia và 35 dự án cấp địa phương.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhiều đề tài từ ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ bảo quản sau khai thác, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh…hỗ trợ phát triển nhiều nhãn hiệu địa phương, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho sản phẩm địa phương (VietGap, ISO 9001)…

Theo định hướng đến năm 2020, chúng tôi tiếp tục khuyến khích đổi mới thiết bị, công nghệ, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh công tác khuyến công có trọng tâm, triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu của tỉnh là hỗ trợ ít nhất 20-30 doanh nghiệp mỗi năm và đến năm 2020, 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng.

Xin ông cho biết thêm về công tác thu hút đầu tư cũng như chính sách ưu đãi của Bến Tre trong lĩnh vực công nghiệp chế biến?

Chúng tôi đã triển khai chính sách của Trung ương và tỉnh về tài chính, tín dụng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN, CCN, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, phát triển thị trường và nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nghề…Đặc biệt, Bến Tre ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án thuộc danh mục đề án phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản, dừa, lương thực-thực phẩm.

Bến Tre hiện có 02 KCN (Giao Long, An Hiệp) đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, 10 CCN (347,28ha) đã thành lập và 07 CCN (264,365 ha) đã quy hoạch chi tiết. Các CCN hiện đã thu hút 23 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 3.701 tỷ đồng. Bến Tre cũng tranh thủ nguồn vốn khuyến công và khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, khuyến thích sử dụng công nghệ cao trong công nghiệp chế biến.

Bến Tre có chính sách, chương trình thiết thực nào nhằm đưa ngành công nghiệp chế biến phát triển bền vững và hiệu quả?

Ngoài công tác kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, Bến Tre định hướng phát triển công nghiệp chế biến phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp chung dựa trên cơ sở khai thác lợi thế của tỉnh.

Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2020 là đạt mức tăng trưởng bình quân 12,02%/năm đối với thuỷ sản, dừa tăng 12,47% và thực phẩm tăng 10,08%/năm.

Để đạt mục tiêu này, chúng tôi tập trung tái cơ cấu theo hướng đầu tư và tăng dần tỷ trọng giá trị gia tăng các chuỗi sản phẩm chủ lực, khuyến khích đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị, công nghệ hiện đại; chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở các ngành công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản.

Ngoài ra, Bến Tre sẽ tăng cường hỗ trợ liên kết doanh nghiệp và nông dân, liên kết với các địa phương khai thác và phát triển vùng nguyên liệu nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với chi sẻ lợi ích sản xuất-chế biến-tiêu thụ; xây dựng cơ chế liên kết giữa nông, ngư dân với doanh nghiệp trong và ngoài nước trong khâu chế biến, phát triển mô hình người sản xuất nguyên liệu góp vốn với nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất.

Đỗ Thy thực hiện