Trong công cuộc chung tay xây dựng đất nước, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã đổi mới toàn diện, có bước phát triển rất căn bản. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, đơn vị còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; cung cấp dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực; tham gia cải cách thủ tục hành chính tại địa phương,…. Song hành với tiến trình phát triển của Hậu Giang từ sau khi chia tách tỉnh, Bưu điện tỉnh Hậu Giang đã và đang phát huy hiệu quả hoạt động của mình “từng bước trở thành cánh tay nối dài của hệ thống hành chính đến với người dân”.
Từ năm 2015 VNPost đào tạo rất bày bản từ các dịch vụ Bưu chính truyền thống cho đến viễn thông, dịch vụ hành chính công của nhà nước. Xác định con người là yếu tố then chốt nếu muốn thành công, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, cải tiến quy trình, đầu tư cơ sở vất chất, trang thiết bị, tất cả đều sử dụng CNTT, phần mềm chuyên dụng. Với lợi thế về mạng lưới hầu khắp từ thành thị đến nông thôn, ngành chú trọng đầu tư các phương tiện vận chuyển gắn liền với hình ảnh nhận diện thương hiệu đồng bộ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đồng phục nhân viên từ quản lý cho đến nhân ở xã, xây dựng con người bưu điện có tác phong chuyên nghiệp, thái độ thân thiện. Đồng thời, bưu điện tập trung mở rộng kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và logistic.
Thời gian qua, ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của bưu điện trong các dịch vụ hành chính công của Nhà nước như: dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện, chi trả bảo trợ xã hội, chi trả người có công, thu nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm giao thông, thu lệ phí và chuyển phát hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng, thu phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, cấp đổi giấy phép lái xe,… Dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện là một minh chứng mới về sự sáng tạo linh hoạt, tiên phong đổi mới của ngành Bưu điện, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, công khai, minh bạch.
Ông Phan Văn Hanh, giám đốc Bưu điện Hậu giang cho biết: “Nếu như ngày xưa chỉ 1 chuyến/ngày giờ thì hiện nay bưu điện tăng lên 2 chuyến/ngày nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chủ trương hướng tới các điểm Bưu điện- Văn hóa xã, các bưu điện ở xã đều phải làm dịch vụ hành chính công”.
Theo báo cáo của Bưu điện tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 101 điểm phục vụ. Trong đó, bưu cục cấp 1, 2, 3 là 27 điểm; Bưu điện -Văn hóa xã là 46 điểm (có 33 điểm đa dịch vụ); thùng thư công cộng độc lập là 21 điểm và đại lý bưu điện là 7 điểm. Trong năm 2017, đã mở được 2 điểm phục vụ bưu cục cấp 3; 3 điểm bưu điện – văn hóa xã và 1 đại lý bưu điện. Trong năm, Bưu điện tỉnh cũng đã thực hiện tiếp nhận và chuyển phát kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu điện cho Bảo hiểm xã hội tỉnh được 13.718 hồ sơ; cấp đổi giấy phép lái xe cho Sở Giao thông Vận tải được 9.014 bộ hồ sơ; chuyển kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành công an được 1.736 CMND, 606 hộ chiếu, 1.263 giấy đăng ký xe cơ giới… Tổng doanh thu đạt được trong năm 2017 là hơn 64,5 tỉ đồng, đạt 126% so với kế hoạch tổng công ty giao, tăng 42% so với năm 2016; Tăng gấp 4,3 lần so với năm 2005 mới thành lập Bưu điện tỉnh.
Ngoài ra, ở các Bưu cục đều triển khai bán hàng Việt Nam chất lượng cao theo chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó ưu tiên cho những sản phẩm địa phương chẳng hạn như đường CASUCO.
Tổng số lao động hiện đang công tác tại Bưu điện tỉnh là 292 người. Riêng ở các KCN thì Bưu điện tỉnh tăng cường thêm các điểm bưu cục dịch vụ, công việc của bưu tá khu vực này có phần vất vả hơn vì khách hàng là công nhân thì phải đi phát lệch giờ (11h00-13h00, 19h00-21h00). Do vậy, ngoài chính sách của Tổng công ty thì Bưu điện tỉnh cũng hỗ trợ rất nhiều để các anh em tiếp tục với nghề. Theo giám đốc bưu điện tỉnh, nếu như lúc trước Bưu tá xã, nhân viên Bưu điện-Văn hóa xã thì sẽ không có đóng BHXH, BHYT, nhưng bây giờ đơn vị đã được đóng các loại bảo hiểm 100%, khi về già có lương hưu cũng như chế độ phụ cấp khác, từ đó anh em rất phấn khởi.
Nhằm để nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ và tăng năng suất lao động. Bưu điện đang áp dụng chương trình chấm chất lượng KPI trong từng loại dịch vụ để phân loại đánh giá hoạt động, chất lượng và tính lương cho nhân viên hàng tháng. Việc áp dụng này không chỉ nâng cao năng suất công việc mà đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt, nhờ mức thu nhập ổn định mà người lao động cũng gắn bó với ngành lâu dài hơn. Thu nhập của nhân viên Bưu tá, nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã được nâng lên rõ rệt, người có thu nhập cao nhất là 10 triệu đến 12 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra đơn vị còn có chế độ đãi ngộ thêm cho người lao động nữ có con nhỏ từ 4 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi, được hỗ trợ gởi trẻ mỗi năm là 2.400.000đồng và trang bị đồng cho người lao động 2 bộ/năm/người và tổ chức tham quan, nghỉ mát trong, ngoài nước hàng năm cho người lao động, tất cả người lao động trong đơn vị đều được kiểm tra, tầm soát sức khỏe định kỳ hàng năm.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành bưu điện được biết đến với 10 chữ vàng: Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình. Bởi điều đó đã được đúc kết từ máu xương, tấm lòng và trí tuệ của tất cả các thế hệ người bưu điện. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hơn 70 năm của ngành; Thời gian sắp tới, Bưu điện Hậu Giang tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người lao động, củng cố các dịch vụ cốt lõi, mở rộng cộng tác viên, ký kết hợp tác với LĐLĐ, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên và các đoàn thể khác . . ., vừa tạo thêm thu nhập cho số lượng cộng tác viên này đồng thời mở rộng thị trường của mình. Tiếp tục củng cố các dịch vụ bưu chính, đẩy mạnh thương mại điện tử, đặc biệt là các dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, giám đốc Phan Văn Hanh cũng lưu ý thêm: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài chương trình đào tạo chính quy của Tổng công ty và Bưu điện tỉnh thì đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ nhân viên phải tự học, tự rèn luyện hơn nữa, bởi các thao tác chương trình nghiệp vụ của bưu điện đều thực hiện trên máy tính, do vậy người làm bưu điện phải học rất nhiều, nỗ lực rất lớn nhất là áp dụng công nghệ thông tin thì mới đáp ứng được công việc và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động trong thời gian tới”./.
PV