Tin nổi bật

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: “Đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai”

3:14 sáng | 12/10/2021

DIENDANDOANHNGHIEP.VN LTS: Tại cuộc gặp mặt Thủ tướng Chính phủ với doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch VCCI đã có bài phát biểu khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.

Sáng nay (12/10), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10).

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch VCCI:

Năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.

Cách đây hơn 2 tuần lễ, vào ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến lắng nghe ý kiến các doanh nghiệpdoanh nghiệp 63 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID – 19; sau hội nghị nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai.

Và ngày hôm nay, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng gặp gỡ, động viên đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Thay mặt cho đội ngũ doanh nhân trong cả nước, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10).

Ngày mai là Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin phép kể lại 1 câu chuyện lịch sử về truyền thống cách mạng của giới doanh nhân Việt Nam, về sự đồng hành giữa giới doanh nghiệp và Chính phủ. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, tài chính cạn kiệt. Ngân khố quốc gia lúc đó chỉ còn vỏn vẹn 664 nghìn đồng bạc Đông Dương. Chính phủ lâm thời tổ chức Tuần lễ vàng từ ngày 17 – 24/9/1945, động viên mọi người tự nguyện đóng góp ủng hộ việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập.

Trong điều kiện người dân còn rất nghèo khó, giới công thương là lực lượng chủ công trong công cuộc quyên góp này, tiêu biểu như: gia đình ông Trịnh Văn Bô, ông Đỗ Đình Thiện, ông Nguyễn Sơn Hà… Tuần lễ Vàng đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng bạc Đông Dương, riêng số tiền ủng hộ đã gấp 30 lần ngân khố quốc gia lúc bấy giờ. Đánh giá cao vai trò và cảm kích trước tinh thần vì nước của giới công thương, ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ.

Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Và theo đề xuất của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, từ năm 2004 ngày 13/10 hàng năm được lấy làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Năm 1986, đất nước ta bước vào công cuộc Đổi mới, tạo ra những kỳ tích phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là giai đoạn ra đời của giới doanh nhân Việt Nam thời kỳ Đổi mới, với quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Hoà Phát, Vinamilk, T&T, TH True Milk… Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2020, có quy mô GDP năm 2020 đứng thứ 4 Đông Nam Á.

Việt Nam đã vươn lên vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế. Việt Nam cũng đứng thứ 26 thế giới về quy mô dự trữ ngoại hối với gần 100 tỷ USD. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, giới doanh nhân Việt Nam có thể tự hào vì đã có đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới và trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Những ngày này, khi đại dịch COVID – 19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng doanh nghiệp rất phấn chấn.

Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp các doanh nghiệp đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tháng, Thủ tướng đã có 1 loạt các cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh những khó khăn, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Các khó khăn, vướng mắc đã được giãi bày trong các cuộc gặp trước, nên tại cuộc gặp gỡ hôm nay, là ngày vui chung của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp, tôi xin thay mặt giới doanh nhân bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng và các đ/c bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành về những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID – 19.

Chúng tôi tin tưởng và mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai, phản hồi của các doanh nghiệp về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời gỡ bỏ. Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.

Hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức. Trước hết, chúng ta phải vượt qua đại dịch COVID – 19, phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, khôi phục kinh tế và đà tăng trưởng của đất nước. Trong Nguy có Cơ, cộng đồng doanh nghiệp lấy dịch COVID – 19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xin bày tỏ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước; quyết duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Nhân Ngày doanh nghiệp Việt Nam, một lần nữa thay mặt cho giới doanh nghiệph cả nước, tôi xin chân thành cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành dành cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới.