“Luật Du lịch hiện hành từ năm 2005 cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, một số nội dung quy định trong Luật không khả thi hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Tình hình thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp”, ông Phí Trọng Đức – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An cho biết khi phát biểu khai mạc.
Ngày 05 tháng 12 năm 2017, Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nghệ An tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định và Thông tư quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tham dự Hội thảo có ông Phí Trọng Đức – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An; ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An; ông Nguyễn Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An; ông Hồ Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành du lịch tại địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An phổ biến Dự thảo Nghị định và Thông tư quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch và một số thay đổi, bổ sung quan trọng tác động đến doanh nghiệp. Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Hà Tĩnh đã có các tham luận về những bất cập của Luật Du lịch đang hiện hành. Thấy rõ nhất là việc ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật còn chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc áp dụng trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương; một số quy định thiếu thống nhất, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động du lịch như: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…). Bên cạnh đó, Luật Du lịch hiện hành chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác quản lý, phát triển du lịch…
Các đại biểu tham dự cho rằng, Luật Du lịch mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, mặc dù chưa phải là hoàn chỉnh như mong đợi nhưng đã có những ưu điểm và phù hợp. Điểm nổi bật, xuyên suốt trong Luật Du lịch lần này là khách du lịch được đưa vào trọng tâm. Theo đó, rất nhiều điều khoản được quy định trong luật này đều xoay quanh việc đảm bảo lợi ích của khách du lịch, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa, việc đăng ký xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch là tự nguyện. Luật Du lịch 2017 cũng đã bổ sung điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Luật cũng đã điều chỉnh điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên, quy định rõ điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An đánh giá cao những đóng góp ý kiến rất kịp thời, có trách nhiệm và đầy nhiệt huyết của các đại biểu tham dự. Ông cho biết, điều đáng mừng là khi tiến hành sửa đổi Luật Du lịch năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, nhiều tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ đã được chuyển tải và được pháp luật hóa trong Luật Du lịch.
Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất 2017. Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch, bên cạnh việc triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017, còn có rất nhiều việc phải làm như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chính sách phát triển du lịch như: chính sách về xuất, nhập cảnh, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, về phí và lệ phí, tăng đầu tư cho công tác xúc tiến du lịch, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông./.
Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An