Doanh nghiệp văn hóa

Cơ hội bứt phá ngành dệt may 2025

2:25 chiều | 03/04/2025

Bất chấp bối cảnh tình hình địa chính trị, căng thẳng thương mại tự do trước áp lực áp thuế từ Mỹ đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu nội địa… ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt được con số tích cực trong 2 tháng đầu năm 2025.

Trong buổi chia sẽ thông tin trước thềm Triển lãm Quốc tế Ngành công nghiệp Dệt và may, Thiết bị nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2025), ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2025, toàn ngành dệt may xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2024, dự kiến trong tháng 3, Việt Nam cũng xuất khẩu trên 4 tỷ USD, như vậy khả năng Quý 1/2025, Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD.

Cú hích từ các FTA thế hệ mới

Nếu như Quý 1/2025 được xem là bước khởi động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thì Quý 2 sẽ là bước đệm cho toàn ngành. Theo ông Giang, với đà tăng trưởng này, toàn ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu 6 tháng đầu năm 2025: trên 22 tỷ USD ngay trong quý II này.

Theo đó, ông Giang nhận định Quý 3 và 4 sẽ là thời điểm bứt phá mạnh mẽ, bởi các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các đơn hàng mới trong quý 2 này để chuẩn bị cho bước bứt phá vụ Đông Xuân 2025. 

Một lợi thế khác là ngành dệt may Việt Nam đang hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Theo ông Giang, đây là cơ hội lớn nhất. Một thông tin tích cực nữa cho ngành là việc Bộ Công thương thông tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết các FTA thế hệ mới trong năm nay, nâng tổng số các FTA ký kết lên con số 22. Theo đó, nhiều FTA thế hệ mới sẽ có hiệu lực trong năm 2025 và 2026.

Từ việc áp dụng thuế xuất khẩu hàng hóa dịch vụ bằng 0 theo lộ trình của hàng loạt các FTA đã ký kết, ngành dệt may Việt Nam cũng đã đề ra một chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột: đa dạng hoá thị trường; đa dạng hoá khách hàng, đối tác; đa dạng hoá sản xuất mặt hàng.  Đây là một lợi thế rất lớn cho ngành dệt may trong nước.

Động lực mới từ Robot hoá và AI

Nhằm thúc đẩy xu hướng Robot hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành dệt may, ông Giang cho rằng rằng hiện Vitas cũng đang thúc đẩy việc Robot hoá và quản trị AI trong lĩnh vực thời trang làm động lực tăng cường robot hoá và AI trong một số lĩnh vực. Các công nghệ tự động hoá cũng sẽ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực ngành trong ngành công nghệp dệt may. Theo ông Giang, đây là yếu tố sẽ có tác động lớn đối với ngành dệt may. Theo đó, mục tiêu phát triển ngành dệt may cũng đi đôi với việc chiến lược phát triển nguồn cung vốn đang bị thiếu hụt để tận dụng được các FTA thế hệ mới một cách toàn diện.

Giải pháp trước các áp lực thuế quan mới

Mức thuế suất mới dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ có tác động đến ngành dệt may trong nước, bởi nền kinh tế Việt Nam phát triển có tính chất toàn cầu với mục tiêu đa dạng hoá thị trường. Tuy nhiên, theo ông Giang, ảnh hưởng này là không lớn. Việt Nam cần quan tâm đến 3 vấn đề chính (i) quan hệ chính trị của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc bởi nó ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam (ii) bài học để Việt Nam tìm ra nút thắt giải quyết chiến lược đa dạng hoá thị trường, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nào đó gây ảnh hưởng đến toàn ngành (iii) đánh giá lại mối quan hệ của các thị trường lớn nhắm tránh một số bẫy về thuế quan ở các thị trường lớn.

SaigonTex 2025 – tầm nhìn công nghệ và giải pháp mới

Ông Giang đặc biệt đánh giá cao thành công của triển lãm SaigonTex, đặc biệt là với đối tác -Công ty CP Hong Kong, đơn vị đồng tổ chức SaigonTex. Trong hơn 35 năm qua, CP Hong Kong đã kêu gọi hàng loạt các nhà sản xuất trên toàn cầu tham gia triển lãm tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các kênh thông tin về máy móc, công nghệ, nguyên phụ liệu, bao gồm các đơn vị thiết kế phần mềm, giải pháp công nghệ…

Đặc biệt, SaigonTex 2025 (diễn ra từ ngày 9-12/4/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Q.7, Tp.HCM) cũng thu hút các nhà sản xuất máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu trên phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế này cũng mang đến một loạt các thiết bị tự động hoá với tầm nhìn đến 2030, yếu tố này sẽ có tác động lớn bởi nó mang tới nhiều giải pháp thúc đẩy tiến trình Robot hoá và ứng dụng AI trong công tác phát triển mẫu. SaigonTex 2025 cũng là nơi gặp gỡ giữa các nhà sản xuất nguyên phụ liệu toàn cầu và các nhà sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp lựa chọn nguyên phụ liệu phù hợp nhất với dòng sản phẩm và nhãn hàng của mình.

Duy Khang