Dịch Covid – 19 diễn ra kéo dài trong thời gian qua đã và đang khiến cho hầu hết các doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp vì không thể duy trì được hoạt động do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu nên có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phá sản. Để tháo gỡ khó khăn này, ngoài sự nỗ lực vượt khó vươn lên của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành là hết sức cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Doanh nghiệp điêu đứng
Công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội là đơn vị có uy tín nhiều năm trong việc cung cấp suất ăn cho hầu hết các trường học và một số cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì, huyện Chương Mỹ và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam. Năm 2016, do nhu cầu về thực phẩm, rau, củ quả sạch, có truy suất nguồn gốc rất lớn nên đơn vị này đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát (HTX An Phát), địa chỉ tại thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông Lưu Ngọc Khánh, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, đơn vị tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng nghiêm ngặt, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005/HACC, được Phòng kinh tế huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm An toàn số 05/2018/NNPTNT-HAN.
Làm ăn có uy tín nên HTX An Phát được UBND huyện Thanh Trì tin tưởng cho thuê 3 địa điểm gồm: xã Yên Mỹ; đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển; đường Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và cung ứng thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Để chủ động nguồn và lượng hàng hoá cung ứng cho các đơn vị nhà trường, cụm công nghiệp và nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, HTX An Phát đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sơ chế theo quy trình khép kín từ đồng ruộng đến tận tay người tiêu dùng. Bắt đầu từ năm 2017, HTX An Phát đã hỗ trợ cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn tại xã Yên Mỹ với công suất 20 ha, xã Đại Lan 5 ha. Ngoài ra HTX An Phát còn liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân các xã Duyên Hà, Vạn Phúc (Thanh Trì) và ký kết bao tiêu thực phẩm sạch, rau sạch của các đơn vị sản xuất khác, như HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (Thanh Trì), HTX Văn Đức, HTX rau an toàn Đặng Xá (Gia Lâm), bí đỏ, bí xanh, bắp cải Mộc Châu (Sơn La). Về thực phẩm, HTX An Phát đã ký kết bao tiêu độc quyền trứng gà sạch của Công ty Hoà Phát (Tập đoàn Hoà Phát), thịt lợn Masan (Tập đoàn Masan), thuỷ hải sản tại các doanh nghiệp có uy tín ở Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên, Quy Nhơn, Cà Mau…
Ông Lưu Ngọc Khánh cho biết, trước Tết Nguyên đán khi chưa xảy ra dịch Covid – 19, HTX An Phát cung cấp trung bình hơn 4 tấn rau củ quả, thịt, trứng gà, thuỷ hải sản, 3 tấn gạo/ngày cho hệ thống cửa hàng của HTX, bếp ăn tập thể của các công ty như: Công ty suất ăn công nghiệp Hà Nội; Công ty chế biến Thực phẩm Nhân Hòa; Công ty suất ăn công nghiệp Nam Hà Nội; Công ty Giáo dục Nhân Hòa và các Trường Mầm non, Tiểu học của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
“Từ sau Tết đến nay, dịch bệnh Covid – 19 diễn ra phức tạp khiến cho tất cả hoạt động phục vụ cho các bếp ăn của các đơn vị bị “tê liệt” hoàn toàn. Toàn bộ gần 800 cán bộ, công nhân viên và người lao động của Công ty phải nghỉ việc vì học sinh nghỉ học kéo dài mà chưa biết thời gian đến trường. Đây là lúc khó khăn mà Công ty phải đối mặt và cần tìm hướng tháo gỡ bằng việc mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác ngoài suất ăn hoặc thực phẩm sạch để có thể duy trì hoạt động để doanh nghiệp có sức bật lên sau khi dịch Covid – 19 kết thúc”, ông Khánh cho biết.
Ông Lưu Ngọc Khánh (người thứ hai) đến thăm xưởng chế biến trứng gà sạch của Công ty Hoà Phát
Không chỉ có HTX An Phát, theo thống kê của bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, ngoài các Công ty Dịch vụ thì du lịch, các ngành sản xuất như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, nay do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch mà Trung Quốc đang triển khai trong đó có kiểm soát biên giới và các dòng lưu chuyển hàng hóa, đang trở nên thiếu hụt. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa. Nói tóm lại, không trực tiếp thì gián tiếp, hầu hết các ngành, lĩnh vực, và doanh nghiệp của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sụt giảm vì hoạt động cầm chừng, phải dừng hoạt động, hay không xuất khẩu được sẽ làm giảm doanh thu đáng kể, trong khi các chi phí vẫn phát sinh, đặc biệt là các khoản vay ngân hàng, rồi các khoản nghĩa vụ với nhà nước.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 3/4
Trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng và bảo đảm việc làm cho người lao động, mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài”, mỗi doanh nhân là một “chiến sỹ”. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định như vậy tại cuộc họp trực tuyến giữa VCCI cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19”, diễn ra chiều 3/4. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết ngày 25/2, VCCI đã có công văn gửi Thủ tướng phản ánh khó khăn vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ngày 4/3, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 16 về phòng chống COVID 19, trong đó có nhiều chủ trương chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp. Dẫn thống kê của VCCI, người đứng đầu VCCI cho biết, “theo thống kê của chúng tôi, hiện nay đã có 15 văn bản của các bộ ngành đã ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có 2 dự thảo văn bản đang được chuẩn bị ban hành và có 6 văn bản chính sách đang được soạn thảo để có thể ban hành sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của các bộ ngành nhưng có thể nói rằng việc triển khai, nhìn chung còn chậm”. “Có hiện tượng rất đáng quan ngại là chủ trương cách ly xã hội của Chính phủ đang được hiểu thiếu nhất quán và thực hành sai lệch ở một ở một số địa phương gây cản trở cho sản xuất và lưu thông hàng hóa, ngay cả với những mặt hàng thiết yếu. Vấn đề này cần phải được chấn chỉnh bằng một hướng dẫn thật minh bạch, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, không thể để mỗi nơi làm một kiểu… Với các chủ trương, giải pháp đã và sẽ ban hành, chúng tôi đề nghị là sẽ phải thật mình bạch, bảo đảm thực hiện thật nhanh, thật nhất quán để phát huy hiệu quả”. – Chủ tịch VCCI lưu ý.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), các ngành sản xuất tại Việt Nam đang chịu sức ép vì hầu hết nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ nước ngoài. “Các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành như: gia hạn nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, và phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền trung ương, địa phương và các bộ, ngành có thể giúp cung cấp thông tin và thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp có thể thương thảo với các đối tác cung ứng đầu vào ở nước ngoài điều chỉnh hợp lý các điều khoản của hợp đồng, cũng như tìm các nguồn cung ứng thay thế”, Ông Ngô Trí Long đánh giá.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, sau đề nghị của các doanh nghiệp và bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm… với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.
Covid-19 có thể coi là “cú sốc” với nền kinh tế. Dù Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch Covid-19 để chủ động ứng phó, nhưng theo báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã giảm mức dự báo GDP từ 6,8% xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II- mức thấp nhất trong 7 năm gần đây.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành đã từng bước triển khai vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang phải đối mặt. TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Hiệp hội cùng các thành viên đang phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra 4 quyết định về giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, qua đó giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1% nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn gặp khó bởi dịch bệnh.
Theo Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục.
Phương Nam