Trong tháng 02/2016 vừa qua, Holcim Việt Nam đã chính thức công bố thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam sau khi được mua lại phần vốn của Tập đoàn LafargeHolcim bởi Tập đoàn Siam City Cement – doanh nghiệp sản xuất xi măng hàng đầu tại Thái Lan. Đây là bước ngoặc quan trọng đưa thương hiệu Holcim trở thành INSEE với chất lượng và điều kiện sản xuất không thay đổi. Đồng thời, trên cơ sở tận dụng những lợi thế từ Holcim trước đó, INSEE sẽ tiếp tục công cuộc cải cách, đưa ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến mục tiêu khẳng định thương hiệu xi măng số 1 tại Việt Nam.
Ông Philippe Richart, Tổng giám đốc của INSEE Việt Nam
“Holcim nay là Insee”
“Holcim nay là Insee” là sự kiện quan trọng dựa trên sự hợp nhất của hai doanh nghiệp có tiếng trong phát triển ngành xây dựng. Cụ thể năm 2016 có sự sáp nhập ở quy mô toàn cầu hai Tập đoàn Holcim và Tập đoàn Lafarge (Pháp) thành Tập đoàn LafargeHolcim; với từng sản phẩm mang thương hiệu Holcim đều có ưu điểm là chất lượng lúc nào cũng đảm bảo về màu sắc, độ dẻo, kết dính và đông kết. Qua hơn 1 năm sáp nhập, INSEE (trước là Holcim) không chỉ tự hào là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý chất thải; mà còn là đơn vị cung cấp sản phẩm cho những dự án dân dụng, hình thành nên những công trình biểu tượng, đóng góp cho sự phát triển thương mại tại khu vực phía Nam Việt Nam. Phải kể đến dự án cầu Phú Mỹ – một trong những cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Không chỉ là biểu tượng của TP.HCM, cầu Phú Mỹ còn mang đến hiệu quả kinh tế to lớn, là gạch nối chiến lược giữa quận 2 và quận 7, điều tiết luồng giao thông từ miền Tây về khu vực miền Đông, đẩy mạnh hiệu quả thương mại của Cảng Cát Lái. Không dừng lại ở đó, INSEE đã xây dựng được hơn hàng triệu căn nhà, đóng góp vào sự thành công của hàng trăm công trình trọng điểm cả nước như Sunrise City, khu dân cư Đại Quang Minh (TP.HCM), dự án Điện gió Bạc Liêu, đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Long Thành Dầu Giây) …
Sự chuyển đổi thương hiệu này được xem như cuộc cách mạng lớn. Mục tiêu lâu dài của INSEE sẽ còn tăng cường hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông – Nam châu Á. Nhưng trước mắt, khi đặt niềm tin phát triển tại Việt Nam thì INSEE cũng có một tham vọng là cung cấp những giải pháp sáng tạo cho khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, đầu tư vào nhân lực và thúc đẩy các giải pháp xây dựng bền vững. Để trong từng công tác, INSEE sẽ luôn là doanh nghiệp luôn nổi bật trong hành trình kiến tạo tương lai tươi sáng hơn” – Ông Philippe Richart, Tổng giám đốc của INSEE Việt Nam nhấn mạnh.
3 tiêu chí cơ bản
Kiên Giang đang là tỉnh du lịch đang trên đà phát triển, tạo dựng vị thế. Đây cũng là cơ sở để ngành bất động sản tại địa phương trở nên sôi nổi và cuốn hút đầu tư hơn lúc nào hết. Tất yếu kéo theo đó là ngành xây dựng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng xi măng sẽ theo chiều tịnh tiến. Hình ảnh Kiên Lương và Hòn chông cũng vì thế mà ngày càng sáng lên, trong tương lai sẽ là điểm đến ấn tượng cho các nhà đầu tư. Cùng với cơ hội này, thì việc nắm bắt lợi thế sẵn có từ Holcim là quy luật tất yếu để INSEE khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Ông Philippe Richart cũng nhấn mạnh thời gian tới INSEE sẽ hướng tới thực hiện hiệu quả hệ thống nhà máy hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, quy trình hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở hoạt động hướng đến 3 tiêu chí cơ bản là phát triển kinh tế phù hợp thị trường – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm đối với xã hội. Đồng thời, cung cấp các giải pháp sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh và danh mục sản phẩm (ngoài đa dạng các chủng loại xi măng và bê tông tươi, còn có vữa và gỗ Conwood) trong thời gian tới.
Ông Philippe Richart cũng nhận định thị trường xi măng miền Nam đang ngày càng phát triển với nhiều cơ hội. Đi liền với tiêu chí lấy “con người” là trọng tâm, Công ty sẽ luôn đảm bảo cung ứng những điều kiện sinh hoạt, sản xuất với chế độ tốt nhất cho người lao động. Cũng như hòa chung công tác đầu tư xây dựng các công trình công cộng về điện – đường – trường học để tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân tại địa phương và tỉnh nhà. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các tổ chức phi Chính phủ, hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học.
Năm 2016, ngành xi măng cán đích thành công các chỉ tiêu đề ra. Nhưng dự báo, trong năm 2017, áp lực sẽ nặng nề hơn và các doanh nghiệp xi măng sẽ phải gồng mình để đứng vững. Vừa qua, Bộ Xây dựng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 thay thế Quy hoạch 1488 và lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025 thay thế Quy hoạch 105 và Quy hoạch 1065. Đi liền với lợi thế và khó khăn đan xen nhau trên, là một doanh nghiệp FDI, bản thân INSEE cũng gặp không ít trở ngại. Ngoài những vấn đề về cơ chế, thủ tục hành chính Nhà nước thì như ông Philippe Richart chia sẻ “Nguồn nhân lực là điều INSEE lo lắng nhất. Bởi trước đây nguồn nhân lực tại chỗ không đủ, đòi hỏi Công ty phải “chiêu dụ” người lao động từ các nước. Mặc dù đến giai đoạn này vấn đề này đã “dễ thở” và thông thoáng hơn, nhưng cũng hy vọng chính quyền địa phương và Nhà nước sẽ mở rộng các trường đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn cho mọi đối tượng lao động có đủ nghiệp vụ ứng tuyển vào INSEE. Mong rằng với những hướng đi cơ bản trên, từng dòng sản phầm chất lượng mang thương hiệu INSEE (như xi măng đa dụng, xi măng xây tô, xi măng công nghiệp, bê tông công nghiệp, bê tông dân dụng…) sẽ luôn được sự đón nhận nồng nhiệt từ các nhà đầu tư cũng như người dân trên khắp năm Châu”./.
Minh Kiệt