Tin nổi bật

Cuộc thi phóng sự, ký sự “Câu chuyện văn hóa doanh nhân”: Lan tỏa hệ giá trị đạo đức doanh nhân

9:13 sáng | 07/03/2023

VHDNĐó là chủ đề và mục đích của Cuộc thi viết phóng sự, ký sự báo chí “Câu chuyện văn hoá doanh nhân” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (đơn vị trực thuộc VCCI) tổ chức, phát động trong năm 2023.

Cụm từ “văn hoá doanh nhân” không còn là vấn đề mới, nhận thức ngày càng gia tăng của người tiêu dùng cùng hàng loạt các cuộc thảo luận về trách nhiệm doanh nghiệp cũng đã được tổ chức trong những năm gần đây. Cụm từ này đề cập cụ thể đến việc thúc đẩy thái độ tự lực, tự cường cùng các kỹ năng về tầm nhìn doanh nhân, kiến thức về tài chính và công nghệ, cách mà doanh nhân phản ứng trước các cơ hội, định hướng phát triển… Rõ ràng rằng, từ khi khái niệm này được hình thành cho đến nay, văn hoá doanh nhân càng cho thấy vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu.

Cuộc thi phóng sự, ký sự báo chí “Câu chuyện văn hóa doanh nhân” nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” được VCCI và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/10/2022

Cuộc thi sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và lan tỏa hệ giá trị đạo đức doanh nhân của tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập. Củng cố thêm niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam: Thông qua các câu chuyện có thực, động viên và biểu dương doanh nhân có hành động đẹp trong sản xuất, kinh doanh, truyền cảm hứng cho xã hội. Góp phần lan toả giá trị tốt đẹp và truyền thông rõ ràng về một thế hệ doanh nhân mới có bản lĩnh, trí tuệ, có đạo đức và tri thức hội nhập toàn cầu.

Cuộc thi cũng là nỗ lực của VCCI nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng đạo đức doanh và đạo đức kinh doanh. Đây cũng là nền tảng để các nhà quản lý doanh nghiệp, các doanh nhân trên cả nước chia sẻ các câu chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của họ (gồm cả động lực và tâm lý), từ thách thức khi khởi nghiệp, chấp nhận rủi ro, đổi mới, sáng tạo…đến thành công thông qua việc tạo ra giá trị kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng nhằm khai thác các ý tưởng mới liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như các biện pháp điều chỉnh văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp nhằm đưa một tổ chức lên tầm cao mới, đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm nhấn của cuộc thi là nội dung của các bài viết đều tập trung xoay quanh 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố ngày 19/5/2022, đó là: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội;Ttuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Dựa trên 6 quy tắc về văn hoá doanh nhân, các doanh nhân có thế chia sẽ về những thói quen thúc đẩy phát triển kinh dooanh, từ làm việc độc lập đến làm việc theo nhóm; chấp nhận rủi ro dựa trên sự tính toán trước; tinh thần sẵn sàng chấp nhận thất bại hoặc sai lầm và đúc kết từ bài học thất bại; tầm quan trọng của ý thức về thời gian, khám phá thời điểm thích hợp để khởi động hoạt động kinh doanh; đạo đức làm việc thông qua xem trọng nghĩa vụ và quyền lợi; đánh giá hiệu quả công việc hay loại bỏ tư tưởng lười biếng…

Về đối tượng cuộc thi, cuộc thi thu hút mọi đối tượng từ tầng lớp văn nghệ sĩ, doanh nhân, cán bộ, công nhân viên đến các tầng lớp người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng như các doanh nhân, người lao động đang sinh sống trong và ngoài nước. Trong cuộc thi, các doanh nhân có thể tự viết, tự kể ra câu chuyện của mình nhờ sự chắp bút của các văn nghệ sỹ, chuyên gia có chuyên môn để hoàn thành tác phẩm dự thi. Tác phẩm dự thi dưới dạng bài viết ký sự, phóng sự chân dung, câu chuyện kể. Mỗi tác phẩm không quá 2.000 từ, kèm theo hình ảnh hoặc tư liệu liên quan đến nội dung (nhân vật, vấn đề…).

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trở nên quan trọng và đầy ý nghĩa. Cuộc thi sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và lan tỏa hệ giá trị đạo đức doanh nhân của lớp doanh nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Thông tin chi tiết về Cuộc thi được đăng tải trên: www.vhdn.vn./.

                                                                                VHDN

Dấu hiệu thực sự của một tinh thần doanh nhân mạnh mẽ không nằm ở một chủ doanh nghiệp thành công, thậm chí không cần phải bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh và cũng không cần tinh thần chấp nhận rủi ro…mà nó nằm ở cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta tiếp cận mọi tình huống trong cuộc sống. Hay nói một cách khác, với tinh thần doanh nhân mạnh mẽ, mọi người sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm trước mọi hoàn cảnh, ngay cả tình huống đó không phải lỗi của họ, bởi biết nhận trách nhiệm trước một vấn đề sẽ tạo thêm sức mạnh để thay đổi vấn đề đó một cách tốt đẹp hơn. Đó mới là đạo đức chân chính của một doanh nhân.