Các dự án kêu gọi đầu tư

Đà Nẵng : Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững

12:46 sáng | 28/09/2017

Ngày 25-9, tại Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 (CREF 2017) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” nhằm phân tích bối cảnh, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển vùng duyên hải miền Trung trong thời gian đến. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; nhiều chuyên gia kinh tế trong nước; các thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và nhóm tư vấn vùng duyên hải miền Trung; và hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.

 Diễn đàn lần này đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng duyên hải miền Trung; Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung bền vững; và Phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền trung bền vững.

Vùng duyên hải miền Trung bao gồm 9 tỉnh, thành phố bao gồm: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng có diện tích 49.400 km2, chiếm gần 14,9% diện tích tự nhiên của cả nước; dân số trung bình năm 2016 là 10,4 triệu người, bằng 11,2% dân số cả nước.

Tổng GRDP của 9 tỉnh, thành phố trong Vùng năm 2016 là 465,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm trong giai đoạn 2011 — 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, trước hết  cần có nhận thức, tư duy  phù hợp về việc phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Phó Thủ tướng nhận định, không thể phát triển nền kinh tế Việt Nam theo cơ cấu 63 tỉnh thành đều giống nhau, cũng như không thể phát triển một nền kinh tế khi không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính như hiện nay. Đây chính là lý do của sự cần thiết phát triển kinh tế vùng, phát triển vùng và cơ chế vùng.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần phải có một thể chế kinh tế vùng phù hợp, trong đó, vùng động lực phải có các thể chế tương ứng và nổi trội nhằm phát huy tính đầu tàu và sự lan tỏa rộng hơn; đối với các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, cần cơ chế để những địa phương trong vùng có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển; đồng thời, xây dựng một số vùng hay còn gọi là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thử nghiệm những thể chế cần thiết và tạo ra sự tăng trưởng có tính chất lan tỏa cho vùng cũng như cho cả nước.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của vùng, Phó Thủ tướng cho rằng, vùng duyên hải miền Trung nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam có ý nghĩa chiến lược, với đầy đủ đường bộ, đường sắt và đường hàng không, tuy nhiên đây lại là vùng đất dài và hẹp; do đó, nếu không tận dụng kết nối tuyến Bắc Nam với tuyến Đông Tây thì sẽ có nhiều bất lợi, không gian phát triển rất hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, miền Trung cũng là nơi tập trung nhất về thế mạnh kinh tế biển, “nếu như nói kinh tế biển là trọng điểm của cả nước, thì miền Trung là trọng điểm của trọng điểm”, Phó Thủ tướng nhận định.

Để làm được điều này,  Phó Thủ tướng, yếu tố quan trọng nhất của phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng là phải xây dựng được quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội của vùng..

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Việc tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng với nhau sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước.

                                                                                                  TD