DIENDANDOANHNGHIEP.VN Kết quả thực hiện DCCI tại các tỉnh thành đã có thấy sự cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh.
Chiều ngày 20/1, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện.
Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình)
Tại toạ đàm, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP Đà Nẵng đã chia sẻ về Kinh nghiệm thực hiện DDCI của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Theo ông Tuân, các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên triển khai đánh giá DDCI muộn hơn so với một số địa phương khác, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2018/ NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Quá trình thực hiện DDCI, khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đã học tập, tham khảo các mô hình, thực tiễn tốt từ các địa phương đi trước trong đó có tham khảo những cách làm hay mà Quảng Ninh đang thực hiện. “VCCI Đà Nẵng cũng đã trực tiếp hỗ trợ, tư vấn 7 tỉnh trong khu vực triển khai DDCI từ năm 2018 đến nay”, ông Tuân nói.
Tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện đang diễn ra.
Theo ông Tuân, kết quả thực hiện DDCI đã cho một số tác động ban đầu, tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành và huyện, thị. Cung cấp công cụ hữu ích cho lãnh đạo chính quyền tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương phản ánh tiếng nói của mình tới chính quyền tỉnh, thành phố.
Cũng với đó, quá trình thực hiện DDCI còn làm thay đổi nhận thức, hành động của mỗi cán bộ trong bộ máy chính quyền của địa phương và giúp cải thiện chất lượng điều hành kinh tế chung của tỉnh, thành phố.
Chia sẻ về các yếu tố để thành công, ông Tuân cho biết, để thực hiện DDCI thành công cần sự quyết tâm và ủng hộ triển khai DDCI của lãnh đạo tỉnh, thành phố và việc triển khai DDCI cần xuất phát từ bối cảnh thực tế của địa phương, nguồn lực tổ chức thực hiện cũng như các vấn đề quan tâm của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
“Cùng với đó, cũng cần có cơ quan chủ trì độc lập, có khả năng và kinh nghiệm, hiểu biết về doanh nghiệp và đảm bảo tối đa tính khách quan khi thực hiện”, ông Tuân nhấn mạnh.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện.
Một số thách thức gặp phải là thiếu các biện pháp đồng bộ đi kèm, và nguồn lực dành cho DDCI tương đối thấp.
Chia sẻ về một số yếu tố để thành công khi thực hiện DDCI, ông Tuân cho sự minh bạch trong triển khai là yếu tố cốt lõi.
“Cùng với đó, cần coi trọng công tác công bố kết quả và cách thức tổ chức công bố DDCI; Nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai DDCI; Có chiến lược truyền thông bài bản, chuyên nghiệp về DDCI”, ông Tuân nói.
Bà Trần Ngọc Bích, chuyên gia VCCI phát biểu tại toạ đàm.
Cũng tại toạ đàm, bà Trần Ngọc Bích, chuyên gia VCCI cũng đã nhấn mạnh rằng để thực hiện thành công chỉ số DDCI thì việc nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ công chức cũng là vấn đề cần quan tâm.
“Kinh nghiệm từ Singgapore cho thấy việc xây dựng tư duy dịch vụ cho nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp… cũng như các cơ quan địa phương đã hỗ trợ việc cải thiện thái độ làm việc của các công chức một cách rõ rệt. Từ việc cải thiện thái độ công chức, việc thực hiện chỉ số DDCI cũng sẽ mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận”, bà Bích nhấn mạnh.