Làm sao có thể bán được hàng qua Amzon dễ dàng? Làm cách nào để sản phảm Việt có thể vào được thị trường Mỹ? Và Hiệp định thương mại tự do có mở thêm cánh cửa khác cho việc bán hàng qua Amazon không? Câu chuyện mà Kỳ Văn hóa Doanh nhân chia sẻ dưới đây thông qua cuộc trò chuyện với doanh nhân Tony Triệu chính là câu trả lời cho tôi và nhiều doanh nghiệp đang muốn biết.
Doanh nhân Tony Triệu
Xuất phát điểm từ bán hàng online
Doanh nhân Tony Triệu tên thật là Đỗ Văn Triệu. Như bao bạn trẻ khác, sau khi tốt nghiệp Đại học anh Triệu đã lăn lộn nhiều lĩnh vực như bán hàng Facebook, Clickbank, Youtube, trung tâm tiếng Anh… và trên con đường bắt đầu ấy anh đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng chính thời gian này đã giúp anh tích luỹ được một số vốn nho nhỏ cũng như kinh nghiệm để bán hàng trên thị trường Online. Và quan trọng hơn cả, quãng thời gian vất vả đó đã rèn luyện cho anh tinh thần dám nghĩ, dám làm, có thất bại nhưng sẵn sàng đứng lên làm lại từ đầu. Cái tên Tony xuất phát từ niềm tự hào của anh về người thầy vĩ đại – Tony Robbins – mà anh đã theo học. Thầy đã truyền cảm hứng và dẫn dắt anh trên con đường định vị bản thân, xác định mục tiêu sống và xây dựng sự nghiệp.
Năm 2015 là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi anh bắt đầu biết tới Amazon và mày mò kinh doanh với sách (Amazon Kindles). Từ những thành công ban đầu với thị trường sách, anh dịch chuyển sang sản phẩm vật lý với hình thức kinh doanh Amazon FBA. Từ đây, anh đã cùng với những người bạn chung ý tưởng, những người cộng sự đầy nhiệt huyết đã cùng anh biến Amazon thành sân chơi cho cộng đồng kinh doanh Online Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của Việt Nam, việc mở rộng thị trường đến các bạn bè trên thế giới là hết sức quan trọng nhất là vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU… Hiện tại có hơn 10.000 người đang kinh doanh quốc tế thông qua Amazon, và họ rất cần những sản phẩm chất lượng từ các nhà sản xuất ở Việt Nam để kinh doanh. Từ kinh nghiệm tích lũy của bản thân và khát vọng của doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, tháng 6/2018, anh Đỗ Văn Triệu đã thành lập Công ty Cổ phần Ecomstone Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp các giải pháp bán hàng thương mại điện tử, đặc biệt là Amazon FBA, kết nối những nhà sản xuất và khách hàng. Hiện Ecomstone đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam, xây dựng trong cộng đồng không ngừng lớn mạnh với hơn 32 ngàn thành viên (con số này ngày một tăng nhanh) cùng những chuyên gia tư vấn hàng đầu về thương mại điện tử.
Chắp cánh hàng Việt xuyên biên giới qua Amazon
Anh Triệu luôn ấp ủ và tâm huyết làm sao để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc tạo dựng thương hiệu Made In Vietnam trên thế giới, góp phần tạo thêm công việc cho nhiều người, thúc đẩy kinh tế và đóng góp cho xã hội. Chia sẻ trong niềm tự hào và đầy sự tin tưởng, anh Triệu cho biết:“Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng thành công gian hàng trên Amazon, đăng kí thương hiệu riêng tại Mỹ và đặt những viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp của riêng mình – Ecomstone Vietnam với sứ mệnh “Chắp cánh hàng Việt trên Amazon”. Với những nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ cộng đồng kinh doanh Amazon tại Việt Nam, Ecomstone Vietnam đã được Amazon chính thức công nhận là nhà cung cấp giải pháp bán hàng Amazon FBA tại Việt Nam.”
Với đội ngũ chuyên gia và kĩ thuật viên am hiểu mọi vấn đề liên quan tới bán hàng Amazon FBA từ việc khởi tạo tài khoản, tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, đăng sản phẩm, tối ưu hình ảnh tới quản lý chiến dịch quảng cáo và tung sản phẩm mới. Ecomstone đã phối hợp với các đơn vị có uy tín về lĩnh vực thương mại điện tử và xuất nhập khẩu trong nước với nhiều kinh nghiệm giảng dạy như: Hiệp hội Thương mại Điện tử Vietnam (VECOM) và các đơn vị hành chính như IPTC, IDEA. Ngoài ra, Ecomstone còn tư vấn và đào tạo chuyển giao quy trình bán hàng chuẩn dành cho các doanh nghiệp Việt đang muốn mở rộng kinh doanh trên Amazon. Ecomstone Vietnam đã và đang rất nỗ lực để có thể trở thành người bạn đồng hành cùng với doanh nghiệp Việt đưa thương hiệu Made in VietNam vươn xa thế giới.
Tới thời điểm hiện tại, công ty không chỉ ổn định Business của mình trên Amazon mà còn giúp đào tạo và hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon. Hiện nay, Ecomstone đang kết hợp cùng với Amazon Global Selling Vietnam, Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương (Viettrade), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) để triển khai những dự án quy mô lớn giúp chắp cánh hàng Việt ra toàn cầu, thông qua nền tảng Amazon và xa hơn nữa là các nền tảng TMĐT trên toàn thế giới. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, anh và các cộng sự đã
trải qua không chỉ một lần thất bại bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng và kinh nghiệm. Nói về vấn đề này, anh chia sẻ, kinh doanh Amazon FBA giống như khởi nghiệp với một Startup nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn, rủi ro khi bắt đầu.
Kinh doanh trên Amazon và những điều cần lưu ý khi vào thị trường Mỹ
Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đến những nhà bán lẻ rất quan tâm, đó là làm sao để vào được thị trường Mỹ qua Amazone. Từ những kinh nghiệm kinh doanh trên Amazon anh Tony Triệu chia sẻ, Mỹ là một thị trường có sức tiêu dùng lớn nhưng cũng là một thị trường khó tính và có những tiêu chuẩn riêng. Do đó, khi tham gia thị trường toàn cầu, nhất là Mỹ và Amazon, doanh nghiệp nên đặc biệt chú ý về:
Chất lượng sản phẩm: Người tiêu dùng online sẽ mua hàng chủ yếu dựa vào sự tin cậy về chất lượng sản phẩm. Nếu họ có niềm tin vào chất lượng sản phẩm thì họ sẽ mua hàng ngay mà không đắn đo. Bởi thế doanh nghiệp Việt cần hết sức chú ý tới việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và duy trì chất lượng như đã cam kết với khách hàng.
Chứng chỉ quốc tế: Khi hội nhập quốc tế thì chúng ta phải đáp ứng những yêu cầu về chứng chỉ về an toàn, hàm lượng các chất hoá học, bảo vệ môi trường… Doanh nghiệp cần chủ động xin cấp các chứng chỉ này để khi sản phẩm đi ra thế giới không gặp những rào cản.
Đóng gói, mẫu mã sản phẩm: Mẫu mã đẹp, phong phú và đóng gói cẩn thận là một yếu tố quyết định tác động tới hành vi mua hàng online. Doanh nghiệp hãy chú tâm để mỗi sản phẩm của mình không chỉ là 1 thứ tiêu dùng cá nhân mà còn giống như một quà tặng. Khách hàng không chỉ mua cho họ mà còn tặng quà cho người thân của họ.
Thương hiệu: Đăng ký thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp được bảo vệ trước những gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái mà còn giúp tăng nhận diện, tăng độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt nên sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ để thuận lợi hơn trong kinh doanh.
Trải nghiệm khách hàng: Nếu bạn làm tốt thì khách hàng sẽ truyền tai nhau rất nhanh, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội phổ biến như hiện nay. Hãy chăm sóc tốt khách hàng, phản hồi nhanh và tương tác thường xuyên với khách hàng để nắm được nhu cầu của họ. Lắng nghe khách hàng là cách tốt nhất để doanh nghiệp vượt trội hơn so với đối thủ.
Với các biện pháp của Nhà nước về việc thúc đẩy Thương mại điện tử xuyên biên giới, hy vọng cộng đồng bán hàng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thay đổi tích cực nền sản xuất cũng như phát triển nền kinh tế.
Vũ Đào