Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Đồng Nai
Trong buổi phỏng vấn với Kỳ Văn hoá Doanh nhân, ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Đồng Nai cho rằng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông là rất lớn, do đó nguồn lực xã hội hoá là rất cần thiết.
Ông vui lòng chia sẽ một số kết quả trong công tác phát triển hạ tầng giao thông của Đồng Nai trong thời gian gần đây?
Được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Đồng Nai đã đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng mang tính kết nối vùng, xây dựng các đầu mối giao thông quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá đối nội và đối ngoại.
Cụ thể, chúng tôi đã thực hiện một số dự án quan trọng như: cải tạo mặt đường Quốc lộ 1 (Phan Thiết-Đồng Nai), nâng cấp Quốc lộ 51, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 20, dự án cầu Đồng Nai mới, cầu vượt Amata, hầm chui Tam Hiệp, cầu An Hảo, tuyến cao tốc Tp.HCM-Long Thành-Dầu Dây…
Về phía tỉnh, chúng tôi đã đầu tư và hoàn thành một số dự án trọng điểm: nâng cấp đường tỉnh 769 (Ngã tư Dầu Giây-Cát Lái), mở rộng đường 25B (Quốc lộ 51-H.Nhơn Trạch), đường chống ùn tắc Quốc lộ 1, hầm chui Tân Phong…
Các kết quả khả quan này đã góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá – hành khách với sản lượng vận tải hàng năm tăng từ 5-10%.
Đồng Nai hiện có hệ thống giao thông hàng hải, đường thuỷ phong phú với 4 luồng hàng hải gồm: Sài Gòn-Vũng Tàu cho tàu có trọng tải 30.000 DWT; luồng hàng hải Đồng Nai cho tàu 30.000DWT đến cảng Cát Lái; luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải cho tàu 30.000DWT đến khu cảng Gò Dầu và 60.000DWT đến khu cảng Phước An; luồng Đồng Tranh cho tàu 5.000DWT.
Đồng Nai hiện có 125 km đường thuỷ nội địa cùng các tuyến sông có cấp kỹ thuật từ cấp I đến cấp VI. Sở Giao thông vận tải Đồng Nai hiện quản lý 98 bến thuỷ nội địa gồm 69 bến trung chuyển hàng hoá, 29 bến hành khách và bến khách ngang sông.
Theo quy hoạch, Đồng Nai được quy hoạch 47 vị trí cảng biển với quy mô cho tàu từ 5.000DWT đến 60.000DWT, hiện 17/47 bến cảng đã đi vào hoạt động.
Sở Giao thông vận tải Đồng Nai luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án bến cảng, bến thuỷ nội địa…nhằm phát huy tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên về vận tải đường thuỷ trên địa bàn tỉnh.
Đâu là kết quả công tác triển khai chủ trương xã hội hoá trong phát triển hạ tầng giao thông và định hướng trong thời gian tới là như thế nào, thưa ông?
Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cần nguồn kinh phí rất lớn. Việc huy động nguồn lực xã hội chung tay phát triển hạ tầng giao thông là định hướng đúng đắn, đặc biệt khi điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.
Hiện Đồng Nai đã triển khai nhiều dự án theo hình thức đối tác công tư như dự án cải tạo Quốc lộ 1 (Phan Thiết-Đồng Nai) theo hình thức BOT, nâng cấp Quốc lộ 20 theo hình thức BT, nâng cấp Quốc lộ 51 theo hình thức BOT, cầu Đồng Nai theo hình thức BOT…
Trong thời gian tới, nguồn lực xã hội là rất cần thiết để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, hiện Đồng Nai đang kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng phà Cát Lái theo hình thức BOT, kết hợp BT, đường ra cảng Phước An theo hình thức BOT.
Đồng Nai có những chính sách hỗ trợ nào dành cho nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông, thưa ông?
Sở Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục, hồ sơ dự án theo trình tự thủ tục đầu tư. Ngoài các hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, tỉnh cũng ban hành các hỗ trợ riêng như: hỗ trợ lãi suất đầu tư phương tiện (2,4%/năm đối với phương tiện tham gia hoạt động rước công nhân, học sinh; 3%/năm đối với phương tiện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt).
Đối với lĩnh vực đầu tư dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư, tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư theo Điều 59 của Nghị định 63/2018/NĐ-CP, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất theo các quy định hiện hành.
Sở Giao thông vận tải Đồng Nai có những giải pháp nào nhằm hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp?
Về mặt pháp lý, chúng tôi luôn cập nhật và phổ biến kịp thời các quy định của pháp luật về giao thông vận tải, công khai quy hoạch cũng như thủ tục pháp lý liên quan; tăng cường đối thoại, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh liên quan đến công tác quản lý giao thông vận tải.
Trên cơ sở hàng năm, chúng tôi cũng tích cực vận động, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án về giao thông theo hình thức PPP, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng…góp phần nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Sở cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hoá, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận tải hàng hoá của doanh nghiệp. Cụ thể, Sở cũng tham mưu tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vận tải về chính sách vay vốn, phối hợp với doanh nghiệp triển khai mở khai thác các tuyến xe buýt đưa rước công nhân…
Liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), hiện chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường mạng nhằm kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động, nghiên cứu thực hiện các TTHC lên cấp độ 3 và 4; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên ngành như hệ thống camera giám sát trọng tải, phần mềm quản lý, kiểm tra và giám sát bảo trì đường bộ, phần mềm hệ thống thông tin, quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trung tâm camera điều hành giao thông thông minh…Các nỗ lực này nhằm góp phần công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của ngành giao thông vận tải Đồng Nai.
Trọng Nguyên