Nhắc đến PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là nhắc đến một tấm gương lao động sáng tạo, tất cả vì nhân dân, một bác sĩ tận tâm đã mang đến hạnh phúc vô bờ cho hàng ngàn gia đình vô sinh, hiếm muộn ở Hải Phòng và trên cả nước.
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm nhận giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ hai năm 2018-2019
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã không tiếc thời gian, tiền bạc và công sức để chạy chữa khắp nơi với mong muốn có được một đứa con trong thời gian sớm nhất. Trong hành trình gian nan đầy vất vả ấy, họ đã tìm tới rất nhiều bệnh viện, gặp rất nhiều bác sĩ, thế nhưng, may mắn vẫn chưa mỉm cười với nhiều người. Trong số đó, nhiều cặp vợ chồng đã đón niềm vui khi chào đón đứa con mà bấy lâu mong đợi; nhưng cũng có không ít lại không được may mắn như thế.
Chỉ cho tới khi gặp PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, họ mới tìm thấy được niềm hy vọng. Trong con mắt của nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tại Hải Phòng, bác sĩ Tâm như một ông “ mụ ” của những Thiên thần với phép nhiệm màu, có thể biến những phôi đông lạnh thành những thiên thần đáng yêu.
Thậm chí ở Hải Phòng, người ta còn lập ra một hội của những gia đình hiếm muộn được bác sĩ Tâm dùng phương pháp Thụ tinh ống nghiệm thành công. Được tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ Tâm, được trò chuyện cùng ông, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự tận tâm, chân thành, hiền hậu, tài năng và đức độ của một vị bác sĩ, khoảng cách giữa một giám đốc bệnh viện với một bệnh nhân được xóa nhòa.
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm nhận bằng Lao động sáng tạo năm 2018
Những gì PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm đã làm cho sản khoa nước nhà nói chung và của Hải Phòng nói riêng được đền đáp xứng đáng bằng những bằng khen, giải thưởng ông nhận được. Mới đây nhất, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm vừa đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ hai năm 2018-2019. Phóng viên có cuộc trò chuyện cởi mở với ông về chuyện nghề và những cống hiến của ông cho nền y học nước nhà.
PV: PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm vừa đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ hai năm 2018-2019 với công trình: “Nghiên cứu đánh giá quy trình chọc hút noãn lần hai trong cùng một chu kỳ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng”. Ông có thể nói rõ hơn về công trình nghiên cứu này được không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Công trình nghiên cứu này nhằm mục đích điều trị cho những bệnh nhân vô sinh mà còn rất ít noãn bào, có nghĩa là khả năng có con của họ rất thấp. Việc chọc hút noãn lần hai sẽ làm tăng số noãn bào trưởng thành do vậy tăng cơ hội có thai cho bệnh nhân.
PV: Ông có gặp khó khăn gì khi thực hiện công trình nghiên cứu này không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Đây là công trình nghiên cứu rất khó khăn vì lần đầu được thực hiện, vật tư, hoá chất trang thiết bị cần được bổ sung… Việc thuyết phục bệnh nhân tham gia nghiên cứu cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Tuy vậy, sau khi tiến hành những ca đầu tiên thành công thì mọi việc trở lên thuận lợi hơn.
PV: Mặc dù rất bận rộn với công tác lãnh đạo, quản lý bệnh viện và trực tiếp tham gia công tác khám chữa bệnh, ông vẫn dành thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu của ông luôn mang tính ứng dụng cao, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống sản – phụ khoa thành phố và khu vực. Đó là những công trình nghiên cứu khoa học nào, thưa ông?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Từ khi tốt nghiệp đại học Y đến nay, tôi đã có trên 50 công trình khoa học. Trong đó, có 3 công trình khoa học cấp thành phố được áp dụng thường quy đó là: “Nghiên cứu thực trạng suy tuyến giáp trên thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng” ; “Nghiên cứu sử dụng metformin trong điều trị vô sinh do hội chứng buồng trứng đa nang”; “Xây dựng quy trình sàng lọc và chẩn đoán bệnh tiểu đường thai nghén tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng”.
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm trong Lễ khánh thành Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng
PV: Với những công trình nghiên cứu đầy tính ứng dụng của mình, ông được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không ít lần vinh danh. Gần đây nhất ngày 18/5, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã trao tặng bằng “Lao động sáng tạo” năm 2018 với đề tài “Nghiên cứu thực trạng suy tuyến giáp trên bà mẹ mang thai và quản lý thai nghén tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng”. Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy tuyến giáp trên bà mẹ mang thai hiện nay ở Việt Nam? Có cách nào để hạn chế tình trạng này không, thưa ông?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Bệnh suy tuyến giáp thai kỳ là bệnh lý không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Ảnh hưởng của bệnh lý này trên thai phụ là các tai biến sản khoa nặng nề như tiền sản giật, sản giật, ảnh hưởng trên thai nhi là gây thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược sàng lọc và chẩn đoán bệnh lý suy tuyến giáp ở thai phụ trên cả nước. Ở Việt Nam, việc sàng lọc bệnh lý suy tuyến giáp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có sự khác nhau ở từng địa phương. Cách hạn chế tốt nhất bệnh lý này là cần truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai; đồng thời triển khai quy trình sàng lọc bệnh lý này một cách toàn diện.
PV: Được biết, đây là lần thứ 3, ông được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vinh danh. Ông có thể nói về hai công trình nghiên cứu từng được vinh danh trước đây không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Trước đó, năm 2015, tôi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo” với đề tài “Nghiên cứu tình trạng đẻ non tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng năm 2013”. Năm 2017, lần thứ hai được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo” với đề tài “Nghiên cứu đề xuất quy trình sàng lọc, phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ ở nhóm phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng”.
PV: Trong tâm tưởng của rất nhiều gia đình hiếm muộn ở Hải Phòng, bác sĩ Tâm như một “ông mụ” mang tới cho họ những đứa con mà họ bấy lâu mong đợi. Tính tới nay, Bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho bao nhiêu ca, thưa ông?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ năm 2005. Cho tới nay, đã có trên 1.200 em bé ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn khoẻ mạnh. Những cháu bé đầu tiên đã được 13 tuổi và đang học trung học cơ sở với lực học khá giỏi, đạo đức chăm ngoan.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể về một ca hiếm muộn mà ông băn khoăn, trăn trở và dành nhiều tâm huyết nhất không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Ca hiếm muộn làm tôi băn khoăn và tốn nhiều thời gian nhất đó là bệnh nhân Bùi Mai Lê. Năm 2012, bệnh nhân Bùi Mai Lê (30 tuổi) đến với chúng tôi khi chưa có con nào, bệnh nhân đã trải qua 5 cuộc mổ tại các bệnh viện tuyến trung ương với kết luận là nghi ngờ ung thư. Một điều đặc biệt là chồng của bệnh nhân là chiến sĩ công tác tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Sau khi thăm khám, chúng tôi thấy ổ bụng bệnh nhân luôn có dịch máu không rõ nguyên nhân từ đâu. Mặc dù chúng tôi đã giải thích về nguy cơ và khả năng có thai là rất khó khăn vì các bệnh viện tuyến trên đã từ chối làm thụ tinh ống nghiệm cho bệnh nhân. Tuy nhiên với sự thiết tha được làm mẹ của bệnh nhân và trách nhiệm của chúng tôi với người lính đảo xa, chúng tôi đã quyết tâm đồng hành cùng bệnh nhân tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Kết quả thật may mắn khi chúng tôi được đền đáp với tin vui bệnh nhân được song thai. Niềm vui của chúng tôi không được bao lâu thì bệnh nhân tiếp tục bị tràn máu ổ bụng rất nặng. Chúng tôi đã hội chẩn và tiếp tục điều trị với quyết tâm giữ thai cho bệnh nhân. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh của bệnh nhân không thuyên giảm mà có chiều hướng nặng lên. Lúc này bệnh nhân đã chán nản, mệt mỏi và yêu cầu chúng tôi hủy bỏ thai nhi. Tuy nhiên, chúng tôi đã động viên khích lệ bệnh nhân và tích cực điều trị, bản thân tôi trực tiếp điều trị và tư vấn, động viên cho bệnh nhân và gia đình. Rất may sau hai tuần điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh giảm dần, thai nhi phát triển tốt. Kết quả cuối cùng bệnh nhân sinh mổ được 2 bé trai khoẻ mạnh, hiện 2 cháu đang học cấp 1.
Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng
PV: Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình giúp các gia đình hiếm muộn tìm kiếm đứa con của họ?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình công tác của tôi tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản là ca bệnh nhân đầu tiên chúng tôi nút mạch điều trị u xơ tử cung cho bệnh nhân vô sinh do u xơ tử cung quá to.
Với tâm trạng cực kỳ lo lắng và hồi hộp chờ đợi kết quả, đã có lúc tôi bực bội với đồng nghiệp. Trong tư tưởng của hầu hết các bác sĩ sản phụ khoa là khi nút mạch u xơ thì bệnh nhân không thể mang thai do mạch máu nuôi dưỡng thai bị làm tắc lại. Chính vì vậy, ca bệnh này như là một sự đánh cuộc của tôi với các đồng nghiệp về kiến thức. Phương pháp luận của tôi khác biệt với các đồng nghiệp ở chỗ khi làm nút mạch thì chúng tôi chỉ nút mạch máu cung cấp cho khối u, các mạch máu còn lại vẫn có thể nuôi thai nhi, hơn nữa chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để chứng minh sự thất bại của phương pháp trên. Thật may mắn khi hầu hết bệnh nhân có u xơ tử cung được chúng tôi nút mạch vẫn có thai và thai nhi vẫn phát triển. Cụ thể ca đầu tiên hiện đang có song thai sắp đến ngày sinh.
PV: Nhìn các con thụ tinh trong ống nghiệm chào đời, cảm xúc của bác sĩ lúc đó thế nào?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Hầu hết các bác sĩ làm ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đều có áp lực rất lớn đó là kết quả thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh nhân mong muốn có con, chi phí điều trị tốn kém cả trăm triệu. Trong khi đó kết quả thành công chỉ có tỷ lệ khoảng 50 đến 60%, chính vì điều này chúng tôi ngoài mang niềm hạnh phúc của nghề nghiệp còn mang theo cảm giác hạnh phúc của chính người bệnh có nghĩa là hạnh phúc được nhân đôi.
PV: Là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, người trực tiếp điều hành Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện, ông nói rõ hơn về những công nghệ hiện đại mà trung tâm đang sử dụng?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Những công nghệ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hiện nay được giới công nghệ đánh giá rất cao. Thứ nhất là hệ thống tủ cấy được đầu tư đồng bộ thế hệ mới nhất và đảm bảo kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 thường quy 100%. Hệ thống 2 kính hiển vi với hệ thống vi thao tác hiện đại nhất kết nối với hệ thống laser hỗ trợ phôi thoát màng và sinh thiết phôi ngày 5. Đặc biệt hơn nữa là đội ngũ chuyên gia được đào tạo kỹ thuật trong nước và nước ngoài, có kinh nghiệm trên 10 năm trong lĩnh vực phôi học.
PV: Ngoài việc trực tiếp điều hành Trung tâm hỗ trợ sinh sản, ông còn điều hành Trung tâm sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, mới được thành lập hồi tháng 5/2019 vừa qua. Ông có thể nói đôi điều về trung tâm này được không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Với mục tiêu mở rộng diện tích Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, việc xây dựng Trung tâm Sơ sinh góp phần cải thiện cơ sở vật chất, chỉnh trang bệnh viện, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ sơ sinh của thành phố, từng bước xây dựng bệnh viện trở thành trung tâm sản khoa vùng.
Tòa nhà Trung tâm Sơ sinh được xây dựng với 9 tầng, diện tích sàn 8.540m2 với tổng mức đầu tư hơn 223 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến năm 2019.
PV: Bác sĩ đã thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật khó, cứu sống rất nhiều sản phụ, mổ bắt con thành công, mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình. Gần đây nhất bác sĩ đã không quản ngại đường xa, vượt biển cứu mẹ con sản phụ nguy kịch tại đảo Bạch Long Vĩ. Bác sĩ chia sẻ một vài điều về ca bệnh này được không?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Ca bệnh cấp cứu tại đảo Bạch Long Vĩ là ca cấp cứu khẩn cấp với tình trạng rau tiền đạo và suy thai, có thể băng huyết mất máu cấp và chết thai bất cứ lúc nào. Trong khi đó, phương tiện cấp cứu ngoài đảo hết sức khó khăn như không có máu, không có máy gây mê kèm thở, quãng đường từ đất liền ra đảo rất xa. Khi nhận được thông tin cấp cứu, với kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong cấp cứu sản khoa và tôi cũng đã từng công tác 3 tháng ngoài đảo Bạch Long Vĩ nên tôi quyết định cùng ê kíp thực hiện ca cấp cứu này để đảm bảo ca cấp cứu thành công và cũng là dịp gửi đến bà con nơi đảo xa thông điệp “ Đất liền luôn hướng tới đảo xa quê hương”.
PV: Bác sĩ cũng can thiệp nút mạch thành công cho phụ nữ trẻ bị u xơ tử cung, bơm nước ối cứu mẹ con thai phụ… và vô vàn những ca bệnh khó khác, được bác sĩ hết lòng cứu chữa. Trong thời gian sắp tới, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản nói riêng và Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nói chung, sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến nào để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho sản phụ và thai nhi?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Với nhiệm vụ cao cả của chúng tôi là trở thành trung tâm sản khoa vùng Duyên hải bắc bộ, chúng tôi luôn nỗ lực phát triển công nghệ cao để hoàn thành nhiệm vụ được Thành phố Hải Phòng giao. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai công nghệ chẩn đoán di truyền để đảm bảo chất lượng dân số tránh gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiếp theo là phát triển các kĩ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh như công nghệ chẩn đoán sớm ung thư phụ khoa, công nghệ sàn chậu, công nghệ tế bào gốc.
PV: Xin bác sĩ nói về định hướng phát triển Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm sơ sinh nói riêng và Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nói chung trong thời gian sắp tới?
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm: Khi nhận nhiệm vụ quản lý bệnh viện năm 2015, tôi đã phát biểu cam kết là chuyển trục phát triển Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng theo hướng chuyên khoa sâu và mũi nhọn, giảm dần các kỹ thuật truyền thống cho các tuyến dưới, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đây là định hướng chung cho toàn bệnh viện kể từ năm 2015 cho nay và tương lai sau này.
Chính vì thế, trong thời gian tới chúng tôi còn nhiều việc phải làm. Trước hết, tiếp tục đào tạo đội ngũ bác sĩ giỏi về y thuật và tốt về y đức, cán bộ viên chức phải hội đủ 2 tiêu chí cần thiết đó là có năng lực và có trách nhiệm trong công tác thì chúng tôi mới có thể phát triển mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Xin cám ơn PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm về cuộc trò chuyện này!
PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng – Tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội năm 1990. – Thạc sĩ ngành Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội năm 2000. – Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu sử dụng Metformin để kích thích nang noãn trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang” tại Đại học Y Hà Nội năm 2010. – Hiện là Phó giáo sư – Tiến sĩ y học chuyên ngành Sản phụ khoa. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Trưởng Bộ môn Phụ sản, Trường đại học Y Dược Hải Phòng. – Đã qua các chức vụ: Bác sĩ lâm sàng của Khoa Phụ nội Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Phó trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. – 3 lần được nhận bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. – Giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ hai năm 2018-2019. – Đã có 4 công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp ngành, cấp thành phố. – Có 12 công trình khoa học (bài báo khoa học, báo cáo hội nghị khoa học) đã công bố. – Đồng tác giả của 2 cuốn sách “Bài giảng Sản phụ khoa” và “Vô sinh và các phương pháp hỗ trợ sinh sản” đã xuất bản. – Đã và đang hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa. |
Bảo Hân – Song Toàn