(VHDN) – Chỉ trong vài năm trở lại đây, Hải Phòng đã có bước thay đổi ngoạn mục. Sau nhiều nỗ lực, đồng lòng của Nhân dân và Chính quyền thành phố. Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc, vươn tầm cao mới, xứng đáng là một trong những Trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Công viên mới An Dương –
Công viên mới An Dương – Ảnh Phạm Văn Thanh
Là thành phố biển đầy tiềm năng với trung tâm công nghiệp và cảng biển lớn nhất ở miền Bắc. Là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, lớn thứ ba cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những năm gần đây, sự tăng trưởng nhanh về kinh tế và đạt mức cao trên cả nước đã biến Hải Phòng thành một “cường quốc thu nhỏ” phát triển dựa trên 3 trụ cột kinh tế chính gồm: công nghiệp, cảng biển và du lịch. Để phấn đấu đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ trọng tâm được thành phố đặt ra trong năm 2022, đó là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị – Xây dựng nông thôn kiểu mới – Thực hiện chuyển đổi số”.
Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi
Đồng chí Trần Lưu Quang – UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng
Đổi mới trong tư duy và hành động trong xu thế hội nhập để phát triển. Phát triển để hội nhập là hướng đi khác biệt, đúng đắn, bằng cách áp dụng chuyển đổi số; mở rộng khu vực nội đô bằng định hướng xây dựng Trung tâm chính trị – hành chính thành phố tại khu đô thị Bắc Sông Cấm. Việc liên tục cải thiện xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cấp tỉnh đã thể hiện rõ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cơ quan chức năng, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này, sẽ tiếp tục củng cố sức hấp dẫn của thành phố. Cùng với đó, nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Trung ương, sự bùng nổ cơ sở hạ tầng và nhiều ưu đãi của Chính phủ. Hải Phòng đã trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn FDI khi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài nguyên, nguồn nhân lực. Điều này đã mở đường cho Hải Phòng trở thành một nam châm, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đổ vào nền kinh tế của thành phố.
Xuân về trên thành phố Cảng – Ảnh Vũ Dũng
Hiện tại, Hải Phòng đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước, đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 31/12/2021, các khu công nghiệp của Hải Phòng thu hút 420 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 19,135 tỷ USD. Năm 2022, Ban quản lý khu kinh tế (QLKKT) Hải Phòng phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 2,5 đến 3 tỷ đô la Mỹ. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Phát triển hệ thống CKS và lưu trữ điện tử tập trung sẽ tạo đà để thành phố có những bước tiến đột phá trong CCHC, CĐS trên tất cả các lĩnh vực.
Ngay trong những ngày đầu của quý 1, Ban QLKKT Hải Phòng đã đồng ý để một tập đoàn đầu tư đến từ Trung Quốc đầu tư 35 triệu USD xây dựng kho bãi phục vụ hoạt động thương mại điện tử toàn cầu giống như mô hình của Alibaba. Cũng trong thời điểm này, Ban cũng đã từ chối một dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD do công ty này sử dụng nguyên liệu không thân thiện với môi trường.
Khu đô thị ven sông Cấm – Ảnh Phạm Quang Thanh
Giải bài toán khó nguồn nhân lực để thu hút đầu tư bền vững
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh thành phố năm 2022, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho rằng, thời gian tới, công tác thu hút vốn FDI của Hải Phòng sẽ gặp nhiều thách thức như lợi thế cạnh tranh của các tỉnh, thành phố khác có nhiều tương đồng về vị thế và môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, để tiếp tục duy trì kết quả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bí thư Trần Lưu Quang đề nghị, thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các khu công nghiệp. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2026, thành phố Hải Phòng sẽ cần từ 190.000 đến 200.000 lao động đến từ các địa phương khác. Để Hải Phòng là “đất lành”, các đơn vị liên quan đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học khu vực để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó lâu dài với thành phố. Đề xuất nhiều giải pháp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, các ban ngành liên quan không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, áp dụng chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường lợi thế cạnh tranh, để thu hút nguồn vốn FDI của thành phố luôn là điểm sáng, dẫn đầu cả nước.
Nguồn nhân lực, nhân tài thành phố – Ảnh Vũ Dũng
Hạ tầng đồng bộ đủ 5 loại hình giao thông
Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc và là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia hội tụ đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển). Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông Hải Phòng có bước phát triển đột phá tạo ra mạng lưới giao thông khá hoàn thiện, tiến tới đồng bộ, hiện đại và văn minh. Nhiều công trình đường bộ tiêu biểu đã liên tục được hoàn thành, đưa vào khai thác như đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long; mở rộng Quốc lộ 10 đoạn qua Hải Phòng; đường trục Bắc Sơn – Nam Hải; nút giao khác mức Nam Cầu Bính, đường Tân Vũ Lạch Huyện; cầu Hoàng Văn Thụ; cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Hàn, cầu Đăng, cầu Tam Bạc.. và nhiều tuyến đường kết nối trong các khu công nghiệp, quận, huyện. Mang ý nghĩa chiến lược liên kết vùng, tạo động lực chuyển biến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.
Hải Phòng – Thành phố công nghiệp, công nghệ cao – Ảnh Nguyễn Đức Nghĩa
Trong năm 2022 thành phố sẽ có 5 dự án dự kiến khánh thành, 21 công trình dự kiến khởi công và 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang như: hoàn thiện xây dựng cầu Rào và chỉnh trang đường Lạch Tray; Tuyến đường Đông Khê 2 (giai đoạn 1) đoạn từ ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm -Văn Cao đến đường Lê Lợi. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền. Dự án cải tạo, nâng cấp đường 359 huyện Thủy Nguyên (đoạn từ cầu Bính tới xã Trung Hà và đoạn từ xã Thủy Triều đến Khu công nghiệp Bến Rừng). Đầu tư, xây dựng chung cư HH1, HH2 phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền.
Trong số các dự án dự kiến khởi công năm 2022, có nhiều dự án lớn, góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá của thành phố. Đáng chú ý là dự án đầu tư, xây dựng đường vành đai 2, đoạn tuyến Tân Vũ -Hưng Đạo – đường Bùi Viện với tổng mức đầu tư 7.439 tỷ đồng; cầu Nguyễn Trãi 5.375 tỷ đồng; xây dựng bến số 3, 4, 5, 6 tại Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng 13.371 tỷ đồng,…
Khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên – Ảnh Đỗ Trọng Luân
Ngoài đường vành đai 2, cầu Nguyễn Trãi, Hải Phòng còn có các dự án như cầu Bến Rừng (mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng ); cầu Lại Xuân; cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 (1.334 tỷ đồng )…
Cùng với đó, một số dự án chỉnh trang đô thị như: Xây dựng chung cư Vạn Mỹ (hơn 2.700 tỷ đồng); chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2, đoạn từ cầu Lạc Long tới cầu Hoàng Văn Thụ (hơn 572 tỷ đồng)…
Đặc biệt, nhiều dự án phát triển khu công nghiệp cũng được đưa vào chương trình kế hoạch xây dựng như: khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 có tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng; khu công nghiệp Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng ) gần 4.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có dự án tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt với nguồn vốn hơn 6.000 tỷ đồng; xây dựng công trình đa chức năng (đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ) tại số 4, Trần Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Một số dự án của các doanh nghiệp lớn cũng được xếp vào danh mục dự án công trình trọng điểm như dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 17.000 tỷ đồng. Dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến phà, bến tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch tại Cát Bà của Tập đoàn Sun Group trị giá hơn 4.700 tỷ đồng.
Trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc
Hải Phòng có nhiều khu đô thị mới và khu công nghiệp (KCN) lớn ở miền Bắc với các dự án công nghiệp trọng điểm như: khu kinh tế (KKT) Đình Vũ – Cát Hải; tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng II, III… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố cũng đề ra nhiệm vụ từ nay tới năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 KCN với tổng diện tích hơn 6.500 ha tại 8 quận huyện. Trong đó, huyện thuần nông như Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN với diện tích lớn nhất (hơn 1.450 ha), huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, diện tích 900 ha. Đón nhận làn sóng đầu tư mới, các KCN và KKT Hải Phòng đã có tới hàng tỷ USD trong nước và quốc tế đầu tư trong giai đoạn mới. Bên cạnh 1 khu kinh tế, 12 khu công nghiệp đang vận hành ổn định. Dự kiến thu hút đầu tư 15-20 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 25-30 tỷ USD; giải quyết việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Khu công nghiệp 100 ha và vùng phụ cận – Ảnh Nguyễn Đức Nghĩa
Thực hiện chuyển đổi số đẩy nhanh tốc độ thành công
UBND thành phố Hải Phòng ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số nhằm thống nhất chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế – xã hội.
Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện – Ảnh Phạm Quang Thanh
Theo đó, Hải Phòng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là tập trung tạo lập nền tảng về chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để thực hiện các khát vọng phát triển. Ông Hoàng Minh Cường – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – nhấn mạnh, để chuyển đổi số thành công thì cần có cuộc cách mạng về thể chế, cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận không gian số mới, những mô hình mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới và công nghệ mới. Chính vì vậy, chuyển đổi số cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. “Năm 2022 chính là thời điểm thành phố tạo lập nền tảng và giai đoạn 2022 – 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương” – ông Cường cho hay.
Trong chương trình hành động về chuyển đổi số, TP Hải Phòng sẽ thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố do chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban và thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số các địa phương do người đứng đầu UBND làm trưởng ban, có sự tham gia của các đoàn thể. Phát triển nền tảng số, hạ tầng số với mục tiêu đảm bảo mạng lưới cáp quang phủ khắp các quận huyện, xã, phường và xóa toàn bộ các vùng lõm sóng di động tại các khu dân cư trên toàn thành phố, đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông đạt mức cao so với toàn quốc.
Ga Hải Phòng đủ năng lực hạ tầng kĩ thuật phục vụ hành khách
Ba trụ cột kinh tế của Hải Phòng gồm: công nghiệp công nghệ cao – cảng biển, logistics – du lịch, thương mại cũng được xác định là các lĩnh vực mà thành phố sẽ tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ. Cụ thể, hướng tới xây dựng hệ thống cảng thông minh với các nền tảng công nghệ 5G, IoT, hệ thống thông tin dữ liệu lớn quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistics. Phát triển và triển khai các ứng dụng số phục vụ toàn diện hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng như: “biên phòng điện tử”, “hải quan số”, chữ ký số, camera an ninh,… tại cửa khẩu cảng biển nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và giảm thời gian xử lý.
Chào mừng chuyến bay Boeing 787 đầu tiên đến Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi
Trong phát triển du lịch hướng tới triển khai các ứng dụng số về du lịch thông minh, nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả dự án ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hoạt động ngành du lịch Hải Phòng. UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Thông tin và truyền thông là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu về triển khai chương trình hành động. Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, địa phương, định kỳ trước ngày 15-12 hằng năm báo cáo về UBND thành phố.
Thu Hạnh