Không phải ngẫu nhiên Hậu Giang – Từ một vùng trũng ngập nước, đất phèn đã hình thành nên những vùng chuyên sản xuất hàng hóa mang chất lượng và giá thành đứng nhất nhì ĐBSCL. Đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu tìm hướng đi cho nông nghiệp của tỉnh sau gần 15 năm.
Để có những bước tiến vượt bậc như vậy phải kể đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau 5 năm thực hiện Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020, đến nay, tỉnh Hậu Giang đã hình thành nên những vùng chuyên sản xuất hàng hóa đi đầu của khu vực ĐBSCL: mía, lúa, khóm,… Tỉnh đã xác định 10 nông sản chủ lực gắn với xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh, gồm: Cây lúa 32.000 đất canh tác lúa chất lượng cao; cây mía 12.000 ha; cây bưởi 2.000 – 2.500 ha; cây cam sành 6.000 ha; cây khóm 2.000 ha; cây xoài 3.000 ha; cây quýt 1.000 ha; cây chanh không hạt 600 ha; cá thát lát 100 ha; cá rô đồng 200 ha.
Thông qua hội thảo chủ đề “Trăm năm vị ngọt Hậu Giang” đã khơi nguồn cho việc xây dựng nhãn hiệu. Đến nay, 10/10 nông sản chủ lực đã được chứng nhãn hiệu hàng hóa nông sản như: Bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang; Cam sành Ngã Bảy; Chanh không hạt Hậu Giang; Lúa Hậu Giang 2; Cá rô Hậu Giang; Quýt đường Long Trị; Cá thát lát Hậu Giang; Khóm Cầu đúc Hậu Giang; Xoài cát Hậu Giang; Cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, 03 nông sản (cam sành, khóm và cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến.
Với mục tiêu phát triển các loại nông sản chủ lực theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tích cực xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014 – 2016 và định hướng đến năm 2020 gọi tắt Đề án 1.000. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “khi thực hiện tái cơ cấu, tỉnh rất thận trọng trong việc chuyển đổi chứ không làm ồ ạt, trong đó Đề án 1000 nghĩa là mỗi 1 loại cây sẽ có 1000ha để thí điểm hay trong chăn nuôi sẽ chọn 1000 hộ để xem hiệu quả như thế nào mới triển khai trên diện rộng. Đến 2020 sẽ kết thúc và tổng kết lại, từ đó mới xác định hướng đi nào cho nông nghiệp Hậu Giang”. Đề án với 4 hợp phần chuyển đổi, trong đó tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay cho người dân để thực hiện chuyển đổi sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập. Thời gian qua đã chuyển đổi được 1.844ha/3.000 ha, chuyển đổi 1.239 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung mang lại kết quả tích cực, đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án tính đến cuối năm 2017: 62.956 triệu đồng. Trong đó, vốn dân 18.367 triệu đồng và vốn vay 43.013 triệu đồng/773 hộ dân. Tổng kinh phí hỗ trợ lãi suất vay cho hộ dân tham gia Đề án là 2.021,34 triệu đồng.
Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công trước hết cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho nông dân là giải pháp quan trọng. Hậu Giang triển khai Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2015, trong đó ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2 năm phần vốn vay 70% giá trị máy Gặt đập liên hợp, với số lượng là 100 máy theo Đề án; Số lượng máy gặt đập liên hợp đã hỗ trợ dân là 99 máy. Nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh hiện nay là 391 máy, đáp ứng trên 80% diện tích thu hoạch lúa của tỉnh. Lợi nhuận tính trên 01 ha khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng, tiết giảm gần 20% chi phí sản xuất cho cây lúa. Do vậy mà Đề án cơ giới hóa được người dân đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đang triển khai thực hiện 02 đề án gồm: Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang và Đề án phát triển trạm bơm điện tỉnh Hậu Giang theo Chương trình số 04/CTr-UBND của Ủy ban nhân tỉnh về Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là 02 đề án rất quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được tỉnh xác định ngay từ đầu nhất là tập huấn cho nông dân, phát triển mô hình hội thảo đầu bờ. Theo đó, thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (2013 – 2017) được 11.827 lượt nông dân, tập trung các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng cây có múi, nhãn, rau màu, nấm rơm; kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, thuỷ cầm và nuôi trồng thủy sản,… Hiện toàn ngành có 38 cán bộ công chức, viên chức có trình độ sau đại học (01 tiến sĩ, 43 thạc sĩ) và 6 cán bộ đang học thạc sĩ (chiếm 6,5% toàn ngành nông nghiệp), tăng 21% so với năm 2013. Có thể nói, Hậu Giang là tỉnh tiên phong đưa kỹ sư nông nghiệp về xã để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Đến nay, 76/76 xã, phường, thị trấn đã thành lập Tổ kỹ thuật xã gồm 01 cán bộ kỹ thuật khuyến nông – khuyến ngư, 01 cán bộ kỹ thuật trồng trọt – bảo vệ thực vật, 01 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi – thú y. Đây là lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyên môn luôn theo dõi, bám sát tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp khi tiết giảm chi phí sản xuất đặc biệt là giảm giá thành sản xuất lúa. Cách đây hơn 10 năm, Hậu Giang luôn là tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất trong vùng khoảng 4.000 – 4.200 đồng/kg nhưng đến nay, nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật bám sát, hỗ trợ nông dân thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác đã giúp hạ giá thành sản xuất lúa xuống còn 2.700 – 2.800 đồng/kg (một trong những tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long). Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập
Tuy nhiên, giám đốc Nguyễn Văn Đồng cũng bày tỏ nhiều trăn trở, cái khó khăn duy nhất của tỉnh là không có doanh nghiệp lớn về nông nghiệp, ở Hậu Giang chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, muốn bao tiêu cả 1 vùng nông nghiệp rộng lớn là rất khó. Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu tính ổn định và tính khả thi áp dụng nên các chính sách thường chậm đi vào thực tiễn sản xuất, chưa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực” Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất chỉ mới thực hiện được trên cây lúa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang ở bước đầu triển khai; Việc chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, chưa có bước đột phá đặc biệt là giống và công nghệ sau thu hoạch,… Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân phát triển chậm.
Do vậy, thời gian tới Hậu Giang cần mở thêm cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nông sản nhất là giao thông, thủy lợi nội đồng, đầu tư xây dựng kho chứa,… tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đồng thời điều chỉnh giá thuê đất phù hợp với tình hình địa phương. Tiếp tục phát triển nông nghiệp, gắn những vùng sản xuất chuyên canh sản xuất với công nghệ 4.0, củng cố lại mô hình HTX/.