Thời gian qua, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất là một phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương. Chính sách này đã tạo điều kiện cho cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 15 năm qua, chưa phải là thời gian dài so với quá trình phát triển của một ngân hàng nhưng những kết quả mà NHCSXH Tỉnh Hậu Giang đã đạt được thực sự có ý nghĩa trong nỗ lực phát triển KT-XH chung của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình từ nhân dân và các cấp ủy, chính quyền.
Từ 2 chương trình tín dụng với tổng dự nợ 43,6 tỷ đồng, đến nay đã mở rộng đến 16 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tổng dư nợ 2.155 tỷ đồng (tăng 49,4 lần) với trên 99.000 hộ dân đang được vay vốn. Vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín tất cả các ấp, khu vực trong tỉnh, hướng tới vùng sâu, vùng xa, các xã thuộc vùng khó khăn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt bước đầu đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ cho không của nhà nước. Đã hình thành ý thức thực hành tiết kiệm trong hộ nghèo, bà con đã tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất và có trách nhiệm đối với nguồn vốn vay, phần lớn đã mang lại hiệu quả.
Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt chăn nuôi sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Theo báo cáo của NHCSXH Tỉnh, sau 15 năm hoạt động, đã có trên 450 ngàn lượt hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền vay trên 5.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 2.890 tỷ đồng. Góp phần giúp hơn 53 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân từ 2-3%; thu hút tạo việc làm cho hơn 13 nghìn lao động; hơn 31 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 131 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ vốn vay trên 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo an cư, hơn 3 nghìn căn nhà cho hộ nghèo phòng, tránh lũ lụt; hơn 30 nghìn lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn….
NHCSXH đã xây dựng mô hình quản lý đặc thù gồm có Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) ở tỉnh và cấp huyện, đứng đầu là Lãnh đạo UBND, rồi lãnh đạo các ngành, đoàn thể cùng cấp và 2.289 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở tận xóm, ấp cùng với bộ máy điều hành gọn nhẹ của NHCSXH, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai và tổ chức theo hướng xã hội hóa, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của BĐD-HĐQT các cấp, nhất là từ khi có chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia BĐD-HĐQT cấp huyện. Cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành trong quá trình triển khai thực hiện, cùng việc công khai, minh bạch, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó vốn tín dụng ưu đãi đã được quản lý chặt chẽ đến đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.
Giám đốc NHCSXH Tỉnh, ông Nguyễn Thanh Triều cho biết: “Sau khi Chi nhánh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại các địa bàn cấp xã trên toàn tỉnh, qua đó chính quyền cơ sở đã có nhận thức và chuyển biến tốt hơn, đã hiểu nhiều hơn về nội dung của Chỉ thị, hiểu hơn về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn trong thực hiện Chiến lược quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”. Có thể nói nơi nào mà có cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm, sâu sát hoạt động quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của địa phương thì nơi đó nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả.
Cùng với mạng lưới hoạt động rộng khắp với 76/76 điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND của tất cả các xã phường, thị trấn đã tạo thuận lợi, tiết kiệm cho bà con khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng, điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, đối với vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn làm cho nhân dân ngày càng yên tâm và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, việc ủy thác qua các tổ chức Hội đoàn thể, đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở ngoài chức năng, nhiệm vụ vận động, tuyên truyền còn nắm vững và thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng nhận ủy thác. Qua đó, phát huy vai trò của tổ chức Hội đoàn thể trong việc thu hút và phát triển hội viên xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Thông qua hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách mối quan hệ giữa hội viên, nhân dân với đoàn thể và chính quyền được thắt chặt hơn.
Bên cạnh những kết quả đáng biểu dương của NHCSXH Tỉnh, vẫn còn những khó khăn nhất định: “Hiện nay, nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Tại địa phương, mặt dù lãnh đạo các cấp, các ngành rất quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, hằng năm luôn quan tâm và chuyển một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tuy nhiên do điều kiện còn rất khó khăn nên nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh còn thấp so với nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là đối với hộ gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển kinh doanh”, giám đốc Nguyễn Thanh Triều băn khoăn.
Do vậy mà trong những năm tiếp theo, đơn vị phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện điều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 10% trở lên, tăng trưởng dư nợ bình quân tối thiểu 10%; Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh dưới 0,75%. Nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV đồng thời đa dạng hóa, hiện đại hóa các sản phẩm, dịch vụ để tạo điều kiện cho bà con nhân dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung công việc ủy thác đã được ký kết giữa NHCSXH và Hội đoàn thể. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và phòng ngừa rủi ro tín dụng. Phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của tổ chức tín chính trị xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.