Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đồng Nai ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực như: nông nghiệp – nông thôn, DNVVN, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thông tin trên được Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai Trần Quốc Tuấn đưa ra trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân.
Ông vui lòng cho biết một số kết quả cụ thể sau 5 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai?
Đối với phát triển kinh tế-xã hội, chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nguồn vốn cho các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, chương trình đã khai thông nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, phát triển và ổn định sản xuất kinh doanh. Thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản.
Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao từ doanh nghiệp, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, chương trình đã giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD), tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của chính phủ, NHNN đến cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông, đâu là những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp?
Đối với cấp chính quyền địa phương, công tác phối hợp thực hiện chương trình còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, danh sách doanh nghiệp do Sở, Ban, ngành cung cấp cho NHNN chi nhánh tỉnh chưa được rà soát, tính chính xác của thông tin chưa cao; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản còn chậm gây khó khăn cho khách hàng vay vốn…
Đối với các TCTD, việc giải ngân vốn tín dụng cho các hợp tác xã kinh doanh nông sản và nông nghiệp còn khó khăn do không có TSĐB để thế chấp ngân hàng trong khi tài sản đất phục vụ sản xuất chủ yếu là đất thuê. Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), doanh nghiệp siêu nhỏ do trình độ quản lý còn kém, phương án kinh doanh không khả thi, thông tin tài chính thiếu minh bạch…nên không đáp ứng được các quy định của ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có đủ tài sản đảm bảo vay nhưng do thiếu đầu ra hoặc tiêu thụ sản phẩm ít nên chưa có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
NHNN chi nhánh Đồng Nai có những giải pháp nào để thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp cũng như triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong thời gian tới?
Ngay trong năm 2018, chúng tôi đã chỉ đạo các TCTD cùng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất huy động, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và các quy định liên quan đến công tác cho vay.
Triển khai chương trình và chính sách tín dụng theo chỉ đạo của chính phủ và NHNN, ưu tiên tập trung vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giới thiệu gói tín dụng ưu đãi theo chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phối hợp triển khai chính sách của chính phủ về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ và gia hạn nợ, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai các kế hoạch và chương trình hành động của UBND tỉnh và NHNN Việt Nam.
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về tiền tệ, tín dụng và hoạt động tài chính của các TCTD, giảm tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra; giám sát chặt chẽ việc chấp hành của các TCTD đối với các quy định về lãi suất, thu phí của NHNN Việt Nam.
Ngoài ra, NHNN chi nhánh Đồng Nai sẽ phối hợp với Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Sở, ban, ngành…tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cùng với các Sở, ban, ngành, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh nhằm đưa ra giải pháp thiết thực hơn đối với từng nhóm doanh nghiệp, tăng cường công tác thông tin về các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhằm tạo điều kiện để ngành ngân hàng triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Đặc biệt, NHNN chi nhánh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh công tác phân bổ tín dụng đầu tư của Nhà nước theo hướng tiếp cận công bằng, bình đẳng và minh bạch đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế.
Bảo Châu