“Định hướng phát triển của ngành công thương Trà Vinh là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ đến năm 2020”, Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh Phạm Văn Tám cho biết trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN.
Xin ông cho biết một số kết quả khởi sắc của ngành công nghiệp Trà Vinh trong thời gian gần đây?
Ngành công nghiệp Trà Vinh đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư công nghệ cao, hiện đại…tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Eu…
Nhiều dự án công nghiệp được đầu tư và mở rộng. Tỉnh hiện có 10.501 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 60.875 lao động, 03 khu công nghiệp (KCN). Trung ương cũng đã triển khai các dự án trọng điểm tại Trà Vinh như Trung tâm điện lực Duyên hải, KKT Định An, Công trình đường dây 220KV Vĩnh Long- Trà Vinh, đường dây 500KV Duyên Hải-Mỹ Tho, đường dây 220KV Duyên Hải-Mỏ Cày, dự án Cải tạo nâng cấp, xây dựng mới lưới điện khu vực nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, dự án cung cấp điện cho 02 cồn (Cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và Cồn Phụng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành)…đặc biệt là dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer thuộc tỉnh Trà Vinh… Các dự án này đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân trong tỉnh, chấm dứt tình trạng thiếu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp, đây là điều kiện tiên quyết và thuận lợi để phát triển nền công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, hướng tới tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh có chính sách hỗ trợ và giải pháp gì nhằm phát triển các ngành nghề truyền thống – đặc trưng của ngành công nghiệp Trà Vinh?
Chúng tôi đã triển khai đồng bộ chính sách khuyến công trên địa bàn, hỗ trợ 79 đề án trong giai đoạn 2010-2018 với kinh phí là 6,8 tỷ Đồng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề có bước tăng trưởng khá như đan nhựa gỉa mây, tre đan; dệt chiếu lác, chế biến nông sản, đồ mỹ nghệ, bàn ghế tre, vật liệu xây dựng…
Tỉnh cũng hỗ trợ chi phí đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất cho 41 cơ sở công nghiệp nông thôn với vốn đầu tư 17,8 tỷ Đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 2,8 tỷ Đồng, vốn cơ sở đối ứng 15 tỷ Đồng. Hiện các sơ sở này đang hoạt động ổn định, một số đang có kế hoạch mở rộng sản xuất. Từ mô hình thành công này, tỉnh sẽ nhân rộng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn khác trên địa bàn.
Trà Vinh cũng tập trung hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phù hợp với tiềm năng của mỗi địa phương, xã hội hoá khuyến công, lồng nghép các đề án khuyến công với các chương trình mục tiêu khác nhằm thu hút đầu tư, tăng cường đào tạo nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tư vấn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Kết quả là, nhiều sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu đều có thị trường tiêu thụ ổn định.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề: đất đai, đầu tư, tín dụng, thuế, đào tạo, lao động; cải cách hành chính; nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước. Đây là khâu quan trọng nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tăng cường công tác dự báo thị trường, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, HACCP, đăng ký nhãn hiệu, ứng dụng hiệu quả thông tin điện tử, tận dụng các cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
Trà Vinh có tự tin hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2020, giải pháp nào để đạt mục tiêu này, thưa ông?
Tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ đến năm 2020 như sau:
Về công nghiệp: tận dụng nguồn nguyên liệu nông thuỷ sản phục vụ công nghiệp chế biến, mở rộng hợp tác sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy phát triển các ngành nhiều tiềm năng như nhiệt điện, thuỷ sản, may mặc, chế tạo, chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến sâu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển khu-cụm công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao hoạt động tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống như làm muối, chế biển hải sản…; hỗ trợ hoàn thành nhà máy nhiệt điện 2 thuộc trung tâm điện lực Duyên Hải, các nhà máy điện gió; kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hình thành cụm sản xuất liên ngành.
Về Thương mại, dịch vụ: phát triển hạ tầng thương mại, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc phát triển chợ nông thôn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; triển khai quy chế xây dựng quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh; tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu hàng hoá; tổ chức hội thảo xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp-thương mại: tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trọng điểm như Dự án Cải tạo nâng cấp lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ tỉnh Trà Vinh vay vốn KfW, giai đoạn 2; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công trình nâng cao độ tin cậy cung cấp điện khu vực tỉnh Trà Vinh thuộc Chương trình hỗ trợ chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 4 vay vốn ODA (DPL4); Dự án Cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện phân phối nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh (thuộc dự án DEP II vay vốn WB); 02 Công trình Cấp điện Cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và cồn Phụng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; 04 công trình Cấp điện nuôi tôm công nghiệp khu vực thị xã Duyên Hải, các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành.
Trà Vinh sẽ triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử, phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh doanh chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, hình thành mạng lưới phân phối hàng hoá…
Kiệt Minh